Xác định các tham số đầu vào và thiết lập mô hình Noal-MP LSM/WRF-Crop

Ngày 4/8, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH) đã tổ chức Hội thảo khoa học đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo khí hậu nông nghiệp. Áp dụng cho dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng” với chủ đề “Xác định các tham số đầu vào và thiết lập mô hình Noal-MP LSM / WRF-Crop”.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì Hội thảo

Buổi Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH với sự tham dự của các chuyên gia thuộc lĩnh vực khí tượng nông nghiệp trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Hội thảo, Thạc sĩ Trần Thị Tâm (chủ nhiệm đề tài) đã giới thiệu tổng quan về đề tài. Theo đó, mục tiêu chính của đề tài là thiết lập được hệ thống mô hình động lực liên hoàn khí hậu – bề mặt – mùa vụ (Noah-MP LSM-WRF-Crop) với các tham số phù hợp điều kiện Việt Nam; Dự báo được điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa thời hạn 1-3 tháng cho khu vực đồng bằng sông Hồng bằng hệ thống mô hình được thiết lập.

Theo Thạc sĩ Trần Thị Tâm, để thực hiện được các mục tiêu trên, đề tài tập trung thực hiện 6 nội dung chính gồm: Thu thập, xử lý và phân tích thông tin, tài liệu, dữ liệu; Nghiên cứu xác định các tham số đầu vào của hệ thống mô hình liên hoàn khí hậu – bề mặt – mùa vụ (Noah-MP LSM/WRF-Crop) dự báo điều kiện khí tượng nông nghiệp (KTNN); Nghiên cứu thiết lập hệ thống mô hình Noah-MP LSM/WRF- Crop dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng cho thời hạn dự báo 1- 3 tháng; Thử nghiệm ứng dụng dự báo đặc trưng khí tượng nông nghiệp thời hạn 1 đến 3 tháng tổ hợp nhiều thành phần (5-10 thành phần) cho các vụ đông xuân và mùa, giai đoạn 2017 – 2021 với độ phân giải cao 3-5km; Nghiên cứu xây dựng quy trình dự báo nghiệp vụ khí tượng nông nghiệp, áp dụng cho dự báo điều kiện khí tượng nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng; Xây dựng báo cáo tóm tắt và báo cáo tổng hợp.

Thạc sĩ Trần Thị Tâm trình bày tại Hội thảo

Trải qua hơn 8 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã xử lý bộ số liệu quan trắc từ các trạm khí tượng vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) giai đoạn 2017-2021; Bộ số liệu quan trắc lúa từ các trạm quan trắc và thực nghiệm KTNN giai đoạn 2017 – 2021; Bộ dữ liệu viễn thám phục vụ tham số hóa mô hình cây trồng cho dự báo lúa ở ĐBSH giai đoạn 2017 – 2021; Dữ liệu địa hình, thổ nhưỡng, lớp phủ ở ĐBSH; Tài liệu, dữ liệu về hiện trạng sản xuất lúa vùng ĐBSH giai đoạn 2017 – 2021; Bộ số liệu tái phân tích CFSR/ERA5 giai đoạn 2017 – 2021; Bộ số liệu dự báo nghiệp vụ của mô hình CFSv2 giai đoạn 2017-2021 và hoàn thiện báo cáo chuyên đề “Tổng quan các vấn đề nghiên cứu có liên quan về dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp”.

Trong nội dung nghiên cứu xác định các tham số đầu vào của hệ thống mô hình liên hoàn khí hậu – bề mặt – mùa vụ (Noal-MP LSM/ WRF-Crop) dự báo điều kiện KTNN, nhóm thực hiện đã tiến hành nghiên cứu tổng quan mô hình liên hoàn Noah-MP LSM/WRF-Crop; Nghiên cứu xác định bộ tham số đầu vào cho mô hình liên hoàn Noal-MP LSM / WRF-Crop ở ĐBSH; Nghiên cứu xác định và điều chỉnh tham số của mô hình Crop ngoại tuyến của hệ thống mô hình liên hoàn Noal-MP LSM/WRF-Crop đối với lúa ở ĐBSH; Nghiên cứu đánh giá mô phỏng sinh trưởng và phát triển lúa ở ĐBSH mô hình Crop ngoại tuyến của hệ thống mô hình liên hoàn Noal-MP LSM/WRF-Crop dựa trên số liệu tái phân tích thời kỳ 2014-2015; 2017-2021.

TS. Đoàn Quang Văn trình bày về mô hình Noal-MP LSM / WRF-Crop

Tại Hội thảo, TS. Đoàn Quang Văn – chuyên gia tham vấn cho đề tài đã trình bày báo cáo giới thiệu khái quát về hệ thống mô hình Noal-MP LSM / WRF-Crop. Trong đó đi sâu vào cấu trúc của mô hình và việc ứng dụng mô hình trong các nghiên cứu trên thế giới ở các lĩnh vực khác nhau.

Cùng với đó, TS. Đoàn Quang Văn cũng đại diện nhóm nghiên cứu trình bày cách cài đặt hệ thống mô hinh Noal-MP LSM / WRF-Crop trên hệ thống máy chủ của Viện KTTV&BĐKH. Các bước cài đặt được thiết lập và đang trong quá trình chạy thử sau đó sẽ tham số hóa cho từng mô đun trong mô hình.

TS. Nguyễn Đăng Mậu phát biểu tại buổi Hội thảo

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận để nhóm thực hiện tiếp tục hoàn thiện đề tài.

Để lại một bình luận