Vện trưởng Nguyễn Văn Thắng đã trả lời phóng viên báo Nhân dân về việc xây dựng cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Viện trưởng nhận định về những giải pháp cần thực hiện để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long hiện hay: Biến đổi khí hậu (BĐKH) được nhận định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi gữa Phóng viên Báo Nhân dân và Viện trưởng Nguyễn Văn Thắng.
Phóng viên (PV): Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống hàng chục triệu người dân trong khu vực. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân chủ yếu?
Viện trưởng Nguyễn Văn Thắng: Hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là do ảnh hưởng của El Nino mạnh và kéo dài liên tục từ năm 2014 và dự báo có thể tiếp tục đến giữa năm 2016, mới kết thúc (kéo dài hơn và mạnh tương đương với El Nino năm 1997 – 1998). Đáng chú ý, năm 2015 mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long kết thúc sớm, dẫn đến tổng lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, tổng lượng dòng chảy sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long cũng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, dòng chảy từ thượng lưu về đồng bằng sông Cửu Long hạn chế và mực nước sông thấp dẫn đến xâm nhập mặn, với độ mặn cao lấn sâu vào nội địa. Điển hình như những tháng đầu năm 2016, lượng dòng chảy về sông Cửu Long giảm mạnh, dẫn đến hầu hết các cửa sông mặn xâm nhập sâu từ 50 km đến 70 km, trong đó sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn sâu hơn 90 km (sâu hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, khoảng từ 15 km đến 25 km).
Ngoài ra, do BĐKH làm nước biển dâng cao hơn, kết hợp với triều cường và ảnh hưởng của gió mùa đông bắc mạnh trên Biển Đông, khiến cho nước mặn đi sâu hơn vào các cửa sông. Độ mặn từ đầu năm 2016 đến nay, hầu hết tại các trạm đo được luôn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2015 và trung bình nhiều năm. Đáng lo ngại, có những nơi nằm sâu trong đất liền trước đây gần như không bị ảnh hưởng bởi mặn như tỉnh Vĩnh Long, thì từ đầu tháng 2-2016 cũng đã có những số liệu báo cáo về mặn, trong đó có những nơi trong tỉnh độ mặn lên tới 9g/lít… Đây được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
PV: Để chủ động ứng phó với BĐKH, thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đồng chí có thể cho biết kết quả đã đạt được và những khó khăn, bất cập?
Viện trưởng Nguyễn Văn Thắng: Vài chục năm trở lại đây, tình trạng BĐKH trên toàn cầu ngày càng tăng rõ nét và những tác động xấu nghiêm trọng là rất lớn, biểu hiện như: Mực nước biển dâng, băng tan, tình trạng nắng nóng, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, thiệt hại kinh tế, giảm đa dạng sinh học, hủy diệt hệ sinh thái… Cùng với nhiệt độ gia tăng, BĐKH phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan như nắng nóng, hạn hán và lũ lụt. Thế giới đã chứng kiến mỗi thập kỷ sau lại nóng hơn thập kỷ trước; thời kỳ 2011 – 2015, là giai đoạn nóng nhất theo số liệu quan trắc được và năm 2015 với tác động của hiện tượng El Nino, đã trở thành năm nóng nhất trong lịch sử, kể từ khi có quan trắc khí tượng thủy văn.
Tại Việt Nam, số liệu quan trắc cũng cho thấy, nhiệt độ cực đoan tăng ở hầu hết các vùng khí hậu, mưa cực đoan tăng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hạn hán tăng cường với mức độ khắc nghiệt hơn. Ngoài ra mưa phùn giảm rõ rệt, không khí lạnh ở Bắc Bộ giảm, mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xuất hiện thường xuyên hơn. Để chủ động ứng phó với BĐKH, chúng ta đã triển khai nhiều các giải pháp ứng phó và đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác ứng phó với BĐKH; nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân được nâng lên, nhất là người dân khu vực ven biển, khu vực miền núi, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi chịu tác động trực tiếp của BĐKH gây ra. Một số mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH đã được nhân rộng; một số dự án đầu tư ứng phó với BĐKH được thực hiện, từng bước ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là người dân ở các địa phương ven biển. Đáng chú ý, Việt Nam đã xây dựng kịch bản BĐKH, nước biển dâng năm 2009, cập nhật năm 2012 và tiếp tục cập nhật vào năm 2016 trên cơ sở các kết quả được cập nhật mới nhất của Ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC). Các kịch bản đưa ra khoảng biến đổi có thể xảy ra trong tương lai. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động tiềm tàng của BĐKH, xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó hiệu quả với BĐKH, nước biển dâng một cách có hiệu quả nhất, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương.
Tuy nhiên, khó khăn là: thiếu cán bộ chuyên sâu về BĐKH, nhất là ở cấp địa phương; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH; thiếu các nghiên cứu ứng dụng về công nghệ, giải pháp trong thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm về BĐKH có tính cấp bách, cấp thiết, mang tính liên vùng, liên ngành còn hạn chế, còn dàn trải và thiếu tập trung.
Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực BĐKH: khí hậu sẽ tiếp tục biến đổi mạnh hơn trong các thập kỷ tới, một khi lượng khí thải nhà kính mà loài người phát thải tích tụ trong bầu khí quyển ngày một tăng lên. Đây là một thách thức lớn nhất của cả nhân loại trong thế kỷ 21, không chỉ riêng đối với Việt Nam.
PV: Theo đồng chí, thời gian tới Việt Nam cần ưu tiên áp dụng công nghệ và những giải pháp cụ thể nào để giảm những tác động của BĐKH gây ra?
Viện trưởng Nguyễn Văn Thắng: Khoa học tiếp tục giữ vai trò quan trọng giúp đưa ra các biện pháp thực tiễn giảm nhẹ ảnh hưởng của BĐKH và hướng đến một xã hội phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để phát triển các công nghệ phát thải thấp, nhất là trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời tìm ra các giải pháp thích ứng với BĐKH; khuyến khích quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, việc xây dựng các cộng đồng chống chịu với thời tiết, khí hậu là một phần không thể thiếu trong chiến lược quốc gia, cũng như sớm tìm ra các giải pháp đối phó với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, rủi ro thiên tai một cách chủ động, thông qua quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp.
Bên cạnh đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) kêu gọi các cơ quan khí tượng thủy văn các quốc gia, trong đó có Việt Nam và các đối tác đang phối hợp với nhau thông qua WMO để thực hiện Khung toàn cầu về Dịch vụ khí hậu (GFCS): Qua các dịch vụ khí hậu, kiến thức khí hậu được biến thành các hành động thiết thực để tăng cường khả năng chống chịu khí hậu, xây dựng phương án thích ứng và giảm nhẹ. Bằng cách tổng hợp thông tin khí hậu, dự báo khí hậu, các thông tin kinh tế – xã hội, các thông tin có liên quan khác vào các sản phẩm, dịch vụ khí hậu phù hợp với đối tượng, các nhà cung cấp dịch vụ giúp cho quá trình ra quyết định phải đối mặt với rủi ro và cơ hội của BĐKH trở nên hiệu quả hơn… Thí dụ, cần phải đối phó với hạn hán một cách chủ động hơn nữa, thông qua quản lý hạn tổng hợp; BĐKH làm tăng nguy cơ mưa lớn và lũ lụt.
Chúng ta cần bảo vệ sự sống và tài sản của người dân trước các thiên tai dựa vào hệ thống dự báo tác động. Đây là phương pháp tiếp cận rủi ro thiên tai tốt nhất, để giúp cho các cơ quan chức năng phản ứng với tình trạng khẩn cấp dựa trên thông tin họ có được. Những kinh nghiệm có được từ các rủi ro thiên tai trong thời gian qua như: Hạn hán năm 1997 – 1998; lũ lụt năm 1999 – 2000; mưa lớn ở Hà Nội năm 2008, Quảng Ninh năm 2015, cần được đánh giá để ứng phó với hạn hán năm 2015 – 2016 và những năm tiếp theo…