Sáng ngày 21/11/2024, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) phối hợp với Cơ quan Khí tượng Hoàng gia Anh Hội thảo quốc tế về xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cho Việt Nam. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 21 – 22/11/2024 nhằm trao đổi học thuật về các kinh nghiệm và phương pháp tiên tiến trong việc xử lý kết quả dự tính của các mô hình dự tính kịch bản BĐKH và mực nước biển dâng cho Việt Nam cũng như thảo luận các vấn đề kỹ thuật, dữ liệu và thông tin chung để giải quyết các thách thức trong kịch bản BĐKH và mực nước biển dâng cho Việt Nam.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học trong nước từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học trong nước và các chuyên gia quốc tế từ Met Office (Vương Quốc Anh), các Trường Đại học Vương Quốc Anh, Viện Khí tượng Nhật Bản, chuyên gia từ CORDEX-SEA (Malaysia).
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện KTTVBĐKH cho biết các Kịch bản BĐKH là nền tảng khoa học quan trọng để đánh giá tác động của BĐKH và cung cấp dữ liệu đầu vào cho các chiến lược thích ứng và giảm thiểu trong các lĩnh vực khác nhau. Kể từ khi Báo cáo Đánh giá Đầu tiên của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) được phát hành vào năm 1990, việc phát triển các kịch bản BĐKH toàn cầu và khu vực đã có những bước tiến lớn, đạt được kết quả mới nhất trong Báo cáo Tổng hợp lần thứ 6 của Ban Liên chính phủ về BĐKH (được công bố vào năm 2021). Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) là cơ quan đầu mối quốc gia có trách nhiệm cập nhật CCS định kỳ 5 năm một lần, theo quy định của Luật Khí tượng và Thủy văn.
Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Bản cập nhật tiếp theo của các kịch bản BĐKH, dự kiến công bố vào năm 2025 sẽ cung cấp các dự báo cho khí hậu trong tương lai theo các kịch bản phát thải mới (kịch bản chia sẻ kinh tế – xã hội, SSP), tập trung vào các hiện tượng khí hậu cực đoan, đặc biệt là ở khu vực đô thị; mực nước biển dâng với khả năng ngập lụt ở cấp huyện. Bản cập nhật này sẽ hỗ trợ phát triển bền vững và việc lập kế hoạch hiệu quả các chiến lược, phù hợp với nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan.
Đồng ý với phát biểu của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, ông Fergus McBean – Bí thư Thứ nhất Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho rằng, BĐKH đã đặt ra nhiều thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, với mực nước biển dâng cao, cường độ bão tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt,… khiến Việt Nam trở thành quốc gia dễ bị tổn thương.
Ông Fergus McBean phát biểu tại hội thảo
Cơn bão Yagi gần đây chính là bằng chứng cho những rủi ro trong tương lai mà không chỉ Việt Nam, mà còn các nước đang đối mặt với tác động từ BĐKH phải đối mặt. Do đó, Hội thảo ngày hôm nay hướng đến mục tiêu hợp tác sâu rộng giữa Anh và Việt Nam về khoa học khí hậu và nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc lập dự báo về BĐKH và nước biển dâng.
“Hiểu được rủi ro khí hậu trong tương lai sẽ là nền tảng cho mọi hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ về sau như việc: Thích ứng với BĐKH; đầu tư bảo vệ cộng đồng, ngành công nghiệp; định hướng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và tham gia phát triển nền Kinh tế tuần hoàn,…
Tại Việt Nam, Vương quốc Anh tự hào là đồng lãnh đạo Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) – một sáng kiến trị giá 15,8 tỷ đô la để đẩy nhanh Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Chúng tôi coi đây là ưu tiên hàng đầu và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy Biên bản ghi nhớ mà chúng tôi đã ký với Bộ TN&MT vào tháng 10/2024, nhằm hỗ trợ mục tiêu về khí hậu, thiên nhiên và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050” – ông Fergus McBean nhấn mạnh. Đồng thời, ông Fergus McBean cũng kỳ vọng rằng, kết quả từ sự hợp tác này sẽ đóng góp vào NDC của Việt Nam và báo cáo 2045 đang được chuẩn bị trong năm tới.
Các chuyên gia nước ngoài tham dự hội thảo bằng hình thức online
Hội thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Dịch vụ Thông tin Khí tượng và Khí hậu (WISER) thông qua Cơ quan Khí tượng Anh đã tập trung thảo luận các nội dung chính bao gồm: Tích hợp các Kịch bản SSP: Kịch bản BĐKH mới sẽ sử dụng các SSP từ AR6, thay thế cho các RCP trong AR5, đồng thời điều chỉnh các dự báo khí hậu của Việt Nam theo các tiêu chuẩn toàn cầu mới nhất về chính sách khí hậu; Cập nhật mới trong mô hình khí hậu: Các mô hình CMIP6 sẽ được sử dụng, cung cấp độ phân giải không gian và thời gian cao hơn. Quy trình lựa chọn toàn diện sẽ xác định 35–40 kịch bản mô hình toàn cầu, tăng từ 26 kịch bản trong phiên bản 2020; Mở rộng các yếu tố khí hậu: Các dự báo sẽ bao gồm gió, bức xạ, độ ẩm không khí và nhiệt độ bề mặt biển, hỗ trợ dự báo năng lượng tái tạo và đánh giá rủi ro khí hậu; Phân tích các sự kiện cực đoan: CCS sẽ bao gồm các dự báo về các sự kiện khí hậu cực đoan dưới các ngưỡng tăng nhiệt độ toàn cầu (1.5°C, 2°C, 3°C, và 4°C), phù hợp với các vùng khí hậu đa dạng của Việt Nam.
Ông Hà Quang Anh trình bày tại hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo, các bài trình bày được chia thành hai phần. Trong đó, các diễn giả đến từ Việt Nam tập trung vào giới thiệu xu thế BĐKH tại Việt Nam và xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam bản cập nhật 2025. Cụ thể, ông Hà Quang Anh (Giám đốc Trung tâm Phát thải carbon thấp, Cục Biến đổi khí hậu) trong bài trình bày của mình đã giới thiệu về các quy định pháp luật cuả Việt Nam liên quan đến BĐKH, đặc biệt là những quy định về phát thải khí nhà kính, thị trường cacbon, xây dựng thị trường cacbon, và thích ứng với biến đổi khí hậu (đánh giá tác động, tính tổn thương, tổn thất và thiệt hại của BĐKH, các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai…).
TS. Trần Thanh Thủy đại diện nhóm nghiên cứu về xu thế BĐKH trình bày tại hội thảo
Đánh giá xu thế biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam, TS. Trần Thanh Thủy (Viện KTTVBĐKH), đại diện nhóm nghiên cứu về xu thế BĐKH trình bày tại hội thảo. Theo đó, nhiệt độ tối cao và nhiệt tối thấp trung bình năm đều có xu thế tăng ở hầu hết các vùng khí hậu của Việt Nam (dựa trên số liệu quan trắc giai đoạn 1961-2023). Trong đó, mức tăng của nhiệt độ tối thấp lớn hơn. Số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở khu vực phía Bắc; số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước; trong đó, khu vực phía Bắc tăng mạnh hơn khu vực phía Nam. Lượng mưa cực trị có xu thế giảm ở đa phần diện tích khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ và có xu thế tăng đa phần diện tích khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Số xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có xu thế tăng nhẹ trong khi số xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng và đổ bộ vào Việt Nam có xu thế giảm nhẹ.
TS. Trương Bá Kiên trình bày tại hội thảo
Về việc xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam bản cập nhật 2025, TS. Trương Bá Kiên (Viện KTTVBĐKH) cho biết, kịch bản BĐKH lần này sẽ được xây dựng dựa trên AR6 của IPCC với CMIP6. Các kịch bản phát thải được sử dụng bao gồm: SSP1-2.6, SSP2-4.5, SSP3-7.0. Với số liệu sử dụng bao gồm 35 mô hình toàn cầu và trên 10 mô hình khu vực.
Trần Anh Quân (Trường Đại học Mỏ địa chất) giới thiệu đến hội thảo báo cáo về hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai cho Việt Nam dự báo từ CMIP6
Các chuyên gia nước ngoài trình bày tại hội thảo
Hội thảo cũng đã nghe các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về các sáng kiến dự báo khí hậu thành công từ Vương quốc Anh, Chia sẻ kinh nghiệm về các sáng kiến dự báo khí hậu thành công từ Nhật Bản, Cập nhật về các sáng kiến dự báo khí hậu từ Cordex -SEA. Biến đổi khí hậu từ quy mô toàn cầu đến khu vực và quốc gia: Phương pháp luận và cách tiếp cận cho Việt Nam. Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho các yếu tố khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan cho Việt Nam dựa trên kịch bản SSP. Dự báo xoáy thuận nhiệt đới ở Biển Đông Việt Nam theo mô hình của ICL của Anh, Biến đổi của xoáy thuận nhiệt đới trong dự báo khí hậu khu vực: Nghiên cứu trên Biển Đông Việt Nam.