Hội thảo trước nghiệm thu đề tài do TS. Nguyễn Thị Liễu làm chủ nhiệm

Chiều ngày 8/12, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia trước nghiệm thu cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu biên tập Atlat địa lí địa phương phục vụ dạy học ở các trường phổ thông tỉnh Thái Nguyên” do TS. Nguyễn Thị Liễu làm chủ nhiệm.

 

TS. Lê Ngọc Cầu chủ trì hội thảo

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) với sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, địa lý,  khí tượng, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường… và các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Liễu đã đại diện nhóm thực hiện trình bày các nội dung của đề tài. Theo đó, việc xây dựng Atlat địa lí địa phương phục vụ dạy học ở trường phổ thông là rất cần thiết vì đây vẫn là vấn đề mới ở các trường phổ thông. Theo TS. Liễu, cuốn Atlat địa lí địa phương sẽ góp phần truyền tải kiến thức một cách toàn diện về cả địa lý tự nhiên lẫn địa lý kinh tế – xã hội của địa phương, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng học tập chủ động, giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh phổ thông.

TS. Nguyễn Thị Liễu trình bày nội dung nghiên cứu

Với mục tiêu đặt ra là xây dựng Atlat địa lí tỉnh Thái Nguyên nhằm hỗ trợ việc dạy học địa lý địa phương tại tỉnh, đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục 2018, nhóm thực hiện đề tài đã triển khai các nội dung nghiên cứu chính gồm: Tổng quan về xây dựng cơ sở dữ liệu số và thành lập tập Atlat địa lí; Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập tập Atlat địa lí tỉnh Thái Nguyên; Hệ thống hóa dữ liệu về tự nhiên, kinh tế – xã hội cho tập thành lập tập Atlat địa lí; Xây dựng hệ thống bản đồ cho Atlat địa lí tỉnh Thái Nguyên; Xây dựng hệ thống WebGIS Atlat địa lí tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được Atlat địa lí tỉnh Thái Nguyên với 16 bản đồ tỷ lệ 1:350.000, phục vụ giảng dạy ở các trường phổ thông ở trong tỉnh; Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng tập Atlat địa lí dùng cho dạy học ở nhà trường phổ thông tỉnh Thái Nguyên.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng sản phẩm của dự án này sẽ giúp học sinh nắm bắt được thực trạng các điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội của địa phương mình, từ đó có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, thêm yêu quê hương và tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Chuyên gia cho ý kiến tại hội thảo

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Liễu, các chuyên gia tham dự hội thảo đã lần lượt cho ý kiến nhận xét về các sản phẩm của dự án như: thông tin được cung cấp ở các bản đồ, chú thích của các bản đồ, cách thể hiện nguồn tài nguyên khoáng sản, lượng mưa… trên bản đồ.

Các chuyên gia tham dự hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả, các sản phẩm của đề tài đã đáp ứng được số lượng theo yêu cầu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa lại báo cáo tổng kết bám sát nội dung của các bản đồ; các bản đồ cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, chi tiết hóa cho học sinh dễ hiểu. Riêng với bản đồ nhiệt và bản đồ mưa, TS. Cầu cho rằng nhóm nghiên cứu nên phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Khí tượng – Khí hậu để đạt được độ chính xác cao nhất.