Nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ KHCN do ThS. Trần Thị Tâm làm chủ nhiệm

Sáng ngày 8/12, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở cho đề tài “Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo khí hậu nông nghiệp. Áp dụng cho dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng” do ThS. Trần Thị Tâm làm chủ nhiệm.

PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng chủ trì buổi nghiệm thu

Buổi nghiệm thu diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu – Chủ tịch hội đồng) với sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại buổi nghiệm thu, ThS. Trần Thị Tâm đã đại diện nhóm thực hiện trình bày các nội dung của đề tài. Theo đó, đề tài có hai mục tiêu chính là thiết lập được hệ thống mô hình động lực liên hoàn khí hậu – bề mặt – mùa vụ (Noah-MP LSM-WRF-Crop) với các tham số phù hợp điều kiện Việt Nam; Dự báo được điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa thời hạn 1-3 tháng cho khu vực đồng bằng sông Hồng bằng hệ thống mô hình được thiết lập.

ThS. Trần Thị Tâm trình bày nội dung nghiên cứu

Từ mục tiêu ban đầu, nhóm thực hiện đã triển khai thành các nội dung nghiên cứu gồm: Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu; xử lý số liệu, phân tích thông tin, tài liệu, dữ liệu; Nghiên cứu xác định các tham số đầu vào của hệ thống mô hình liên hoàn khí hậu – bề mặt – mùa vụ (Noal-MP LSM/ WRF-Crop) dự báo điều kiện khí tượng nông nghiệp; Nghiên cứu thiết lập hệ thống mô hình Noal-MP LSM / WRF- Crop dự báo tổ hợp điều kiện khí tượng nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng cho thời hạn dự báo 1- 3 tháng; Thử nghiệm ứng dụng dự báo đặc trưng khí tượng nông nghiệp thời hạn 1 đến 3 tháng tổ hợp nhiều thành phần (5-10 thành phần) cho các vụ đông xuân và mùa, giai đoạn 2017 – 2021 với độ phân giải cao 3-5km; Nghiên cứu xây dựng quy trình dự báo nghiệp vụ khí tượng nông nghiệp,  áp dụng cho dự báo điều kiện khí tượng nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng; Xây dựng báo tổng kết và tóm tắt của đề tài.

Sau gần hai năm triển khai thực hiện, tính đến thời điểm hiện tại nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các sản phẩm theo yêu cầu đặt hàng. Cụ thể, đề tài đã hoàn thành năm báo cáo của sản phẩm dạng hai là Báo cáo bộ tham số đầu vào của hệ thống mô hình liên hoàn khí hậu – bề mặt – mùa vụ (WRF – Noah MP – Crop) phù hợp với điều kiện Việt Nam; Báo cáo công nghệ mới về dự báo khí hậu nông nghiệp; Báo cáo đánh giá kỹ năng mô phỏng và dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến mùa vụ ở đồng bằng sông Hồng cho thời hạn dự báo 1- 3 tháng bằng hệ thống mô hình được thiết lập; Báo cáo kết quả thử nghiệm dự báo khí hậu nông nghiệp cho sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng thời hạn 1 đến 3 tháng; Báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đề tài.

Về sản phẩm dạng ba, đề tài đã đạt chỉ tiêu đề ra với 02 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI và 02 bài báo đăng trên Tạp chí Khí tượng thủy văn. Ngoài ra, dù không được đặt hàng về đào tạo thạc sĩ nhưng đề tài đã hỗ trợ về mặt số liệu và kinh phí thực hiện cho 03 thạc sĩ.

TS. Nguyễn Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) nhận xét về các sản phẩm của đề tài

Sau phần trình bày của chủ nhiệm đề tài, các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đã lần lượt đưa ra ý kiến phản biện. Theo đó, các chuyên gia đánh giá đề tài đã hoàn thành đủ về số lượng các sản phẩm theo thuyết minh được phê duyệt. Tuy nhiên, để các sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn, hội đồng yêu cầu nhóm thực hiện bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung như: Làm rõ được thời hạn dự báo, chỉnh sửa lại nội dung khí tượng nông nghiệp trong các báo cáo cho khớp với tên đề tài là khí hậu nông nghiệp, phần tổng quan cần làm rõ được những ưu và nhược điểm của các công nghệ dự báo khí hậu nông nghiệp trước đó, phần kết luận của báo cáo tổng kết cần đi sâu vào phân tích kết quả đã đạt được của đề tài theo hai mục tiêu ban đầu…