Diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lớn diện rộng từ ngày 22 đến ngày 30 tháng 10 năm 2021 và công tác dự báo

Trong suốt thời gian diễn ra áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa lớn diện rộng từ ngày 22 đến ngày 30 tháng 10 năm 2021, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã đã phát 12 bản tin về ATNĐ; 09 bản tin dự báo sóng lớn, nước dâng do ATNĐ; 34 bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; 09 tin dự báo mưa lớn.

Diễn biến và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn diện rộng

Mới đây, trong báo cáo số 1431/BC-TCKTTV ngày 08 tháng 11 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái gửi Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu diễn biến áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng từ ngày 22 đến ngày 30 tháng 10 năm 2021 và công tác dự báo phục vụ.

Theo đó, từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, ở khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã có mưa rất to.

 

Đường đi của áp thấp nhiệt đới tháng 10 năm 2021. Ảnh: Tổng cục KTTV

Chiều ngày 24 tháng 10, một vùng áp thấp trên khu vực biến phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành ATNĐ có cường độ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sau khi hình thành, ATNĐ di chuyển nhanh, theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ trung bình 15-20km/h. Chiều 25 tháng 10, sau khi vượt qua phía Bắc quần đảo Trường Sa, ATNĐ di chuyển chậm lại, tốc độ di chuyển trung bình khoảng 10km/h, đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây đi vào vùng biển ngoài khơi các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ, cường độ giữ nguyên cấp 6, giật cấp 8.

Sáng 26 tháng 10, ATNĐ đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ di chuyển ít thay đổi và cường độ mạnh lên cấp 7, giật cấp 9.

Đêm 26 tháng 10, khi đi vào vùng biển Phú Yên – Khánh Hòa, ATNĐ giảm xuống cấp 6, giật cấp 8. Sáng sớm ngày 27 tháng 10, ATNĐ đi vào đất liến tỉnh Khánh Hòa và suy yêu nhanh thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, trên vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Khí áp thấp nhất quan trắc được trong thời gian hoạt động của ATNĐ tại trạm khí tượng Nha Trang (Khánh Hòa) là 1002,0mb vào lúc 03 giờ 15 ngày 27 tháng 10.

Trong đợt mưa lớn từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 10, tổng lượng mưa (tính từ 19 giờ 00 ngày 22 đến 19 giờ 00 ngày 25 tháng 10) phổ biến trong khoảng 250-500mm, một số nơi trên 600mm; Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai lượng mưa phổ biến từ 50-150mm.

Từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 10, do ảnh hưởng của ATNĐ sau suy yếu thành một vùng áp thấp nên khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận và Tây Nguyên có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa (tính từ 13 giờ 00 ngày 26 đến 19 giờ 00 ngày 27 tháng 10) phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. từ đêm 27 đến hết ngày 30 tháng 10, do ảnh hưởng hoàn lưu của ATNĐ kết hợp với nhiễu động gió Đông và không khí lạnh tăng cường nên khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa (tính từ 19 giờ 00 ngày 27 đến 19 giờ 00 ngày 30 tháng 10) phổ biến 150-300mm, có nới trên 350mm.

Do mưa lớn diện rộng và vận hành điều tiết của hồ chứa nên từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 10 trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Kon Tum và Gia lai đã xuất hiện 01 đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2,0-7,4m, hạ lưu từ 0,9-4,5m. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2 và trên BDD2; riêng sông Vệ (Quảng Ngãi) lên mức trên BDD3.

Cũng do ảnh hưởng của mưa lớn do ATNĐ kết hợp với xả lũ điều tiết của các hồ chứa nên từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 10 trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) và các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Nam Tây Nguyên đã xuất hiện 01 đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2,0-4,4m, hạ lưu từ 0,9-3,0m. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở trên mức BDD2.

Đợt ATNĐ, mưa lớn diện rộng này đã gây thiệt hại 01 người chết và 03 người bị mất tích tại Quảng Ngãi; 71 nhà bị hư hỏng, tốc mái chủ yếu ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng; 199 nhà tại Đắk Lắk bị ngập; 90m kênh mương và 50m2 mái kè bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp, sạt lở 160m bờ sông; 15m bờ đập bị cuốn trôi; 20m đê ngăn mặn bị sạt lở; 09 vị trí sạt lở cùng nhiều thiệt hại khác về nông nghiệp và công trình của người dân.

Công tác dự báo phục vụ

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành Công văn số 1350/TCKTTV-QLDB ngày 22 tháng 10 năm 2021 về việc “Tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai trên khu vực Biển Đông và khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong thời gian tới”; nội dung Công văn có phân công chi tiết nhiệm vụ đối với các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV. Đồng thời chỉ đạo tổ chức 01 buổi thảo luận trực tuyến với các chuyên gia, Đài KTTV khu vực, các Đài KTTV tỉnh liên quan và các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa họ Tài nguyên nước, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam… nhằm đánh giá về tình hình bão mưa lũ và an toàn hồ chứa trong khu vực ảnh hưởng.

Ngoài Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Đài KTTV khu vực, các đơn vị khác thuộc Tổng cục thì trong suốt thời gian diễn ra ATNĐ, mưa lớn diện rộng, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị thuộc Tổng cục KTTV trong việc cung cấp thông tin, dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

 

Dự báo Xoáy thuận nhiệt đới bằng mô hình số trị 07h ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu

Cụ thể, trong cả đợt thiên tai, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu đã phát 12 bản tin về ATNĐ; 09 bản tin dự báo sóng lớn, nước dâng do ATNĐ; 34 bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; 09 tin dự báo mưa lớn.

Để lại một bình luận