Đề tài cấp Nhà nước mã số KC.08.24/16-20 do PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương làm chủ nhiệm đã đạt được kết quả vượt trội về số nghiên cứu sinh, bài báo quốc tế và trong nước cao hơn số lượng đặt hàng.
Chiều 26/11 tại phòng họp 116-118 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu nội bộ kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ” do PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương làm chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu
Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên trong Hội đồng là các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài Viện về lĩnh vực khí tượng, thủy văn, công nghệ thông tin. Đặc biệt, tham dự Hội đồng nghiệm thu còn có GS.TS. Trần Thục là đại diện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 về Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng làm Chủ tịch Hội đồng
Đề tài có 3 mục tiêu gồm: 1) Đánh giá được hiện trạng và xu thế biến đổi của một số loại hình thiên tai điển hình ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ; 2) Xây dựng được các phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai và khung quản lý đa thiên tai; 3) Xây dựng được bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ.
Các nội dung nghiên cứu của đề tài:
Tổng quan các nghiên cứu về thiên tai, phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai và khung quản lý đa thiên tai trên thế giới và ở Việt Nam;
Đánh giá hiện trạng, xu thế biến đổi của một số loại hình thiên tai điển hình (bão; lũ, ngập lụt, lũ quét; nước dâng do bão; hạn hán) và hiện trạng đa thiên tai cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ;
Đánh giá rủi ro thiên tai và xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai (tỷ lệ 1:250.000) đối với một số thiên tai đơn điển hình (bão; lũ, ngập lụt; lũ quét; nước dâng do bão; hạn hán) cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ;
Xây dựng phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai và khung quản lý đa thiên tai. So sánh khung phân tích đa thiên tai và đa rủi ro với các phương pháp hiện có về rủi ro thiên tai đơn;
Áp dụng thử nghiệm cách tiếp cận đa thiên tai và đa rủi ro đối với trường hợp thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp trong một cơn bão điển hình (gió mạnh, mưa lớn, lũ, nước dâng do bão, sóng lớn…) cho khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão (Đà Nẵng, Quảng Nam);
Xây dựng bản đồ rủi ro đa thiên tai tỷ lệ 1/250.000 cho khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão điển hình (Đà Nẵng, Quảng Nam);
Xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý nhằm giảm nhẹ rủi ro đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ;
Áp dụng thử nghiệm cho 1 cơn bão đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam trong năm 2018 – 2020 (Trong trường hợp không có cơn bão nào đổ bộ vào 2 tỉnh này, sẽ thử nghiệm một cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến 2 tỉnh khác thuộc khu vực Trung Trung Bộ trong năm 2018-2020 hoặc một cơn bão trong quá khứ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nghiên cứu);
Xây dựng báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt.
TS. Nguyễn Xuân Hiển trình bày các nội dung của Đề tài
Sau hơn 2 năm thực hiện, chủ nhiệm Đề tài và cộng sự không những đã hoàn thành sản phẩm theo đơn đặt hàng mà còn vượt yêu cầu đặt ra ban đầu. Cụ thể:
Về số lượng các bài báo đăng tải: Đề tài đã có hai bài báo quốc tế được xuất bản, vượt đặt hàng 1 bài; 5 bài báo trong nước vượt đặt hàng 1 bài.
Về sản phẩm đào tạo: Đề tài đang hỗ trợ đào tạo 2 nghiên cứu sinh, vượt đặt hàng 1 nghiên cứu sinh.
Đề tài đưa ra những kết luận như sau:
Đánh giá hiện trạng thiên tai cho thấy khu vực Trung Trung Bộ đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của các loại hình thiên tai điển hình bao gồm bão và ATNĐ, lũ và ngập lụt, lũ quét, nước dâng do bão, hạn hán,… Đặc biệt, hiện trạng đa thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, nước dâng do bão, sạt lở, …) xảy ra liên tiếp, dồn dập, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đề tài đã tính toán và phân vùng rủi ro cho 5 loại hình thiên tai điển hình trên đến đơn vị cấp huyện.
Xây dựng thành công phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai, áp dụng trong phân vùng rủi ro đa thiên tai cho khu vực Trung Trung Bộ và đánh giá rủi ro đa thiên tai trong cơn bão Xangsane năm 2006.
Xây dựng được bộ công cụ web GIS tính toán và hiển thị kết quả đánh giá rủi ro đa thiên tai trong bão phục vụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý nhằm giảm nhẹ rủi ro đa thiên tai.
Kết quả thử nghiệm đánh giá rủi ro đa thiên tai trong cơn bão Noul năm 2020 cho thấy phân bố mức độ đa hiểm họa và đa rủi ro ở cả khu vực đất liền và vùng ven biển đều tương đối phù hợp với thực tế diễn biến thiên tai trong cơn bão Noul.
Đề xuất được khung quản lý rủi ro đa thiên tai.
Một số kiến nghị được đưa ra gồm:
Hướng tiếp cận rủi ro đa thiên tai là hướng mới và mang tính tổng thể, do đó, cần được xét đến trong bài toán đánh giá rủi ro thiên tai.
Đề tài mới chỉ xét đến đa thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp đối với các thiên tai có quan hệ với nhau, cần được mở rộng xem xét đến đa thiên tai liên tiếp độc lập.
Cần được áp dụng đánh giá đa thiên tai cho các vùng, khu vực khác.
Sau phần trình bày đề tài, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà đại diện Tổ Thẩm định đã đọc báo cáo thẩm định về các sản phẩm về bản đồ và phần mềm cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới. Theo kết quả thẩm định, các sản phẩm này đã đáp ứng yêu cầu đặt ra của Đề tài.
TS. Phạm Thị Thanh Ngà đọc kết quả thẩm định
GS.TS. Nguyễn Trọng Hiệu (Ủy viên Hội đồng, Phản biện 1) nêu ý kiến
GS.TS. Trần Thục đưa ra ý kiến
TS. Nguyễn Xuân Hiển thay mặt chủ nhiệm Đề tài giải trình các ý kiến phản biện
Các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đã đưa ra ý kiến đóng góp về các sản phẩm của đề tài. Theo các chuyên gia đánh giá thì đề tài đã đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra. Kết quả đánh giá đề tài ở mức Xuất sắc với 6/8/9 phiếu Xuất sắc và 2/8/9 phiếu Đạt.