Sáng 9/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về “Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và lộ trình phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước”.
Trong bản cập nhật lần này, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
NDC Việt Nam cũng xác định giai đoạn từ năm 2021 – 2030 sẽ tập trung thực hiện các phương thức giảm nhẹ phát thải nhà kính; các hoạt động rà soát, hoàn thiện hệ thống kiểm kê quốc gia về khí nhà kính; thúc đẩy hình thành thị trường các-bon trong nước; xây dựng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tổ chức tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính…
Trình bày về nội dung chính trong dự thảo Nghị định, TS.Lương Quang Huy, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Dự thảo Nghị định được xây dựng với định hướng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, pháp luật hiện hành và các quy định, điều ước quốc tế có liên quan; Phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững; tuân theo nguyên tắc trách nhiệm, thống nhất, công bằng, minh bạch; mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Chính phủ điều chỉnh theo ưu tiên phát triển quốc gia và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng tín chỉ các-bon đối với một số ngành phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế.
Dự thảo Nghị định đưa ra mục tiêu và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, không tạo sức ép giảm phát thải đối với các doanh nghiệp, từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định đưa ra phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm: Các biện pháp chính sách, quản lý hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo từng loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh được thực hiện thông qua các kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực, cấp cơ sở; chuyển đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất, sử dụng dịch vụ ít phát thải khí nhà kính; thực hiện các chương trình, dự án theo các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên….