Đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Nguyễn Trâm Anh

Luận án đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến hệ sinh thái Hồ Tây thông qua tác động BĐKH đến thực vật phù du và đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH để phát triển bền vững Hồ Tây.

Sáng ngày 30/12/2021 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện cho nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Trâm Anh với đề tài: “Nghiên cứu hệ sinh thái Hồ Tây trong điều kiện biến đổi khí hậu”; Ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221.

 

GS. TS. Trần Thục chủ trì buổi đánh giá

Buổi họp Hội đồng chấm luận án của NCS. Nguyễn Trâm Anh diễn ra bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, có sự tham dự của đại diện cơ sở đào tạo – PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng) cùng các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hội đồng đánh giá cấp Viện của NCS. Nguyễn Trâm Anh

Trước đó, Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Trâm Anh đã được thành lập theo Quyết định số 347/QĐ-VKTTVBĐKH ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với 7 thành viên. Trong đó, GS. TS. Trần Thục (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Chủ tịch Hội đồng; TS. Đặng Quang Thịnh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Thư ký; PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Phản biện 1; PGS. TS. Dương Thị Thủy (Viện Công nghệ môi trường) Phản biện 2; TS. Phạm Thị Thu Hà (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là Phản biện 3; GS. TS. Nguyễn Thị Huệ (Viện Công nghệ môi trường) và PGS. TS. Nguyễn Thị Thế Nguyên (Trường Đại học Thủy lợi) là Ủy viên.

 

NCS. Nguyễn Trâm Anh trình bày

Tại buổi đánh giá, trước các thành viên Hội đồng, NCS. Nguyễn Trâm Anh đã lần lượt trình bày các nội dung trong luận án của mình như tính cấp thiết, mục tiêu, luận điểm bảo vệ… Trải qua quá trình dài nghiên cứu và tính toán, nghiên cứu sinh đã đi đến kết luận về tác động của BĐKH đến hệ sinh thái Hồ Tây. Trong đó, phân tích tác động nhiệt độ tăng đối với thực vật phù du, pH tăng và vi khuẩn làm phát triển; Biến đổi khí hậu làm trầm trọng hóa các yếu tố của hệ sinh thái khiến chất lượng nước giảm (oxy hòa tan giảm, phú dưỡng gia tăng…).

Cùng với đó, luận án cũng đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH với 3 mục tiêu của chiến lược là khôi phục chất lượng nước, khôi phục và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển hệ sinh thái Hồ Tây hài hòa với quá trình đô thị hóa. Các nhóm giải pháp được đưa ra gồm: Nhóm giải pháp về công nghệ như nạo vét bùn đấy, tăng cường hệ thống sục, kiểm soát sự phát triển của tảo, kiểm soát nước thải từ hộ dân, cải tạo hệ thống thu gom nước mưa…; nhóm giải pháp sinh thái gồm khôi phục, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học Hồ Tây, nghiên cứu về lượng giá dịch vụ hệ sinh thái, tạo lập vùng đất ngập nước có kiểm soát, xây dựng bảo tàng đa dạng sinh học các nguồn gen sống ở Hồ Tây; nhóm giải pháp truyền thông và nâng cao năng lực với tăng cường truyền thông về kiểm soát ô nhiễm hồ, về hệ thống quan trắc tự động,…; nhóm giải pháp chính sách…

 

Giáo viên hướng dẫn phát biểu

Luận án đưa ra phương pháp đánh giá tác động của BĐKH đến hệ sinh thái Thủy vực thông qua các mối tương quan giữa thông số khí hậu và các yếu tố hệ sinh thái.

 

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng) Đại diện cơ sở đào tạo phát biểu

Sau phần trình bày của NCS. Nguyễn Trâm Anh, các thành viên Hội đồng đã lần lượt đưa ra các ý kiến phản biện. Tuy còn một số điểm cần chỉnh sửa nhưng qua phiên họp kín, các thành viên Hội đồng đánh giá NCS. Nguyễn Trâm Anh đủ tiêu chuẩn đạt trình độ tiến sĩ với 2/7 phiếu xuất sắc. NCS cần sửa chữa và hoàn thiện Luận án theo Quyết nghị của Hội đồng trước khi nộp cho Thư viện Quốc gia.

 

Toàn cảnh buổi đánh giá.

Để lại một bình luận