Hội thảo trước nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm dự báo chất lượng môi trường không khí ngắn hạn cho khu vực thành phố Hà Nội”

Sáng ngày 4/10, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) đã tổ chức Hội thảo trước nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ do TS. Ngô Thị Thủy làm chủ nhiệm với đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm dự báo chất lượng môi trường không khí ngắn hạn cho khu vực thành phố Hà Nội”.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu tại Hội thảo

Buổi hội thảo diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH với sự tham dự của các thành viên thực hiện đề tài, các chuyên gia về lĩnh vực môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại hội thảo, TS. Ngô Thị Thủy đã thay mặt các thành viên trong nhóm thực hiện trình bày tóm tắt các nội dung của đề tài. Trong đó, 3 mục tiêu hướng đến của đề tài là xác định và tính toán được các nguồn phát thải chính phục vụ dự báo chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội; Lựa chọn được mô hình dự báo hạn ngắn chất lượng không khí; Thử nghiệm dự báo chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội.

 TS. Ngô Thị Thủy trình bày tóm tắt nội dung đề tài

Sau gần 3 năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã thu thập, tổng hợp bộ dữ liệu về tình trạng ô nhiễm trong khu vực thành phố Hà Nội và tiến hành phân tích các yếu tố gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội của người dân. Với nguồn dữ liệu không đồng bộ về thời gian cũng như các yếu tố quan trắc, báo cáo đã tiến hành phân tích, đánh giá nhằm đưa ra những nhận định chung nhất về chất lượng không khí thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chất lượng không khí tại Hà Nội có sự cải thiện đáng kể do thay đổi về hoạt động kinh tế – xã hội. Sự thay đổi này cũng được các chuyên gia phân tích cụ thể trong báo cáo nhằm cập nhật thông tin trong quá trình thực hiện đề tài.

Đề tài đã xây dựng bộ công cụ mô hình liên hoàn khí tượng-phát thải-chất lượng không khí nhằm tính toán, dự báo chất lượng không khí trong khu vực thành phố Hà Nội gồm: Mô hình dự báo khí tượng WRF dự báo các đặc trưng khí tượng phục vụ tính toán phát thải và dự báo chất lượng không khí. Các đặc trưng được sử dụng bao gồm mưa, nhiệt độ, gió, độ ẩm, áp suất; Mô hình tính toán phát thải SMOKE tính toán lượng phát thải từ nguồn điểm (các nhà máy), nguồn đường (giao thông) và nguồn diện (hoạt động dân sinh). Kết quả thu được là tổng lượng phát thải theo các tháng trong năm; Mô hình lan truyền chất lượng không khí CMAQ tính toán sự lan truyền các chất gây ô nhiễm không khí trong điều kiện về khí tượng khác nhau. Kết quả thu được sự phân bố nồng độ chất ô nhiễm tại các ô lưới trong khu vực nghiên cứu.

 Toàn cảnh hội thảo

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát ước tính lưu lượng giao thông trên các tuyến đường chính của TP. Hà Nội. Do hạn chế về nhân lực và nguồn kinh phí nên nhóm thực hiện đề tài đã sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau để ước tính lưu lượng giao thông theo giờ trên các tuyến đường đô thị và nông thôn của Hà Nội.

Cùng với đó, đề tài đã tiến hành dự báo thử nghiệm chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội trong 3 tháng (9-11/2021). Nhìn chung, kết quả dự báo nồng độ các chất gây ô nhiễm đều thiên nhỏ so với kết quả thực đo và tại hầu hết các trạm. Tính trung bình tại các trạm và trong các thời hạn dự báo (24h, 48h và 72h) thì kết quả dự báo nồng độ PM10 vào khoảng 70% so với thực đo, kết quả dự báo nồng độ PM2.5 chỉ khoảng 35% so với kết quả thực đo, nồng độ NO2 dự báo bằng khoảng 72% so với thực đo, kết quả dự báo nồng độ CO khá phân tán bằng từ 30-500% so với thực đo.

 TS. TS. Đoàn Quang Trí nêu ý kiến nhận xét về đề tài

Khi xem xét kết quả dự báo định tính chất lượng không khí theo chỉ số VN_AQI thì khả năng dự báo đúng của bộ mô hình vào khoảng 42% (dự báo 24h), 40% (dự báo 48h) và 37% (dự báo 72h). Trong đó số ngày không khí có chất lượng tốt dự báo đúng khoảng 37-50%, số ngày không khí có chất lượng trung bình có thể dự báo đúng là 50-57%.

Sau phần trình bày của TS. Ngô Thị Thủy, các chuyên gia tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để nhóm thực hiện tiếp tục hoàn thiện đề tài đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thuyết minh đề cương đã được phê duyệt.

Để lại một bình luận