Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Thành tựu nghiên cứu của Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

      Giới thiệu chung

Phân viện KTTV&MT thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ tháng 6 năm 1983 theo Quyết định số 204/QĐ/TC ngày 29 tháng 6 năm 1983 của Tổng cục Khí tượng Thủy văn;

Ngày 5 tháng 12 năm 1994 Phân Viện được đổi tên thành Trung tâm Khí tượng Thủy văn phía Nam theo Quyết định số 2465/QĐ/KTTV trực thuộc Tổng cục KTTV;

Ngày 2 tháng 7 năm 2003 Trung tâm Khí tượng Thủy văn phía Nam được đổi tên thành Phân viện KTTV phía Nam trực thuộc Viện KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 824/2003/QĐ – BTNMT;

Vì tính cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại các tỉnh phía Nam, ngày 14/7/2004 Phân viện KTTV phía Nam được đổi tên thành Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam theo Quyết định số 17/2004/QĐ – BTNMT nhằm kết hợp nghiên cứu bảo vệ môi trường cùng với nghiên cứu về KTTV, tài nguyên nước và hải văn;

Ngày 30 tháng 6 năm 2014, Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam được đổi tên thành Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu theo Quyết định số 1268/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu;

Hiện nay, Phân viện KH KTTV& BĐKH với đội ngũ gần 40 cán bộ khoa học, kỹ thuật, trong đó có 2 Tiến sĩ, 7 Thạc sĩ (bao gồm 2 nghiên cứu sinh), trên 20 Cử nhân và Kỹ sư (bao gồm 4 học viên Cao học) có nhiều năng lực và kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, phòng chóng thiên tai.

Tổ chức bộ máy Phân viện hiện nay gồm 5 Phòng, và 1 Trạm bao gồm Phòng NC Khí tượng Khí hậu và Biến đổi Khí hậu, Phòng NC Thủy văn – Tài nguyên Nước, Phòng NC Hải văn, Phòng NC Môi trường, Phòng Hành chánh Tổng hợp và Trạm Quan trắc Khí tượng Nông nghiệp và Lắng đọng a xít Đồng bằng sông Cửu Long.

Phân viện Khoa học KTTV&BĐKH, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, thí nghiệm khoa học kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các chuyên ngành Khí tượng khí hậu, Biến đổi khí hậu, Thủy văn, Tài nguyên nước, Hải văn, Môi trường, nhằm phục vụ phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường.

Phân viện đã chủ trì, cộng tác thực hiện nhiều dự án, đề tài NCKH và các hợp đồng dịch vụ nghiên cứu, điều tra khảo sát và phân tích thí nghiệm, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu đã được đưa vào phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là, đã tham gia xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với Biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

      Khí tượng, Khí hậu và Biến đổi khí hậu:

Phân viện đã tham gia, chủ trì nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ về khí tượng – khí hậu phục vụ cho sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội với các nội dung về đặc điểm khí hậu gió mùa nhiệt đới ở Việt Nam với sản xuất đời sống; nghiên cứu cán cân ẩm trên đồng ruộng lúa 3 vụ; đặc điểm khí tượng thủy văn với sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL; khảo sát điều kiện khí tượng nông nghiệp trên hai giống lúa xuất khẩu Tài Nguyên và OM94; phân tích phổ lượng mưa các trạm đồng bằng Nam Bộ và dự báo dài hạn lượng mưa cho từng thời kỳ; nghiên cứu ảnh hưởng của một số yếu tố khí tượng đến khả năng sản xuất, sự phát triển sâu bệnh cho lúa, bắp, mía…; nghiên cứu quan hệ giữa ENSO với biến động các đặc trưng mưa, nhiệt, ẩm khu vực Nam Bộ và dự báo hạn dài các đặc trưng mưa, nhiệt, ẩm cho từng thời kỳ; nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến năng suất lúa ĐBSCL; ứng dụng mô hình WRF trong dự báo mưa; thử nghiệm mô hình lớp biên khí quyển và mô hình quang hóa trong dự báo ô nhiễm do giao thông vận tải trên khu vực TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu sử dụng thông tin radar thời tiết DWSR 2500C phục vụ cảnh báo và theo dõi mưa.

Đặc biệt, các nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở các tỉnh, thành phố, từ ĐBSCL, Đông Nam Bộ đến Trung Bộ… đã có rất nhiều thành quả to lớn góp phần vào thành công của việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số công trình điển hình như: nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các yếu tố tự nhiên, con người, kinh tế – xã hội TP. Hồ Chí Minh; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu; nghiên cứu xác định những vấn đề TP. Cần Thơ cần thực hiện liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu .v.v..

Cũng trong lĩnh vực này, Phân viện đã rất thành công trong chủ trì thực hiện một số dự án quốc tế điển hình như dự án “Nghiên cứu khả thi hệ thống xe buýt nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh” do Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA tài trợ (2010-2013); dự án “Xây dựng và thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng ven biển Việt Nam (Vietadapt)” do Bộ Ngoại giao Phần Lan tài trợ (2011-2013). và là đầu mối phối hợp với Chương trình Đại sứ Thanh niên vì Phát triển của Úc (AYAD) với kết quả đã tiếp nhận được 03 tình nguyện viên Úc tương ứng với các năm 2010, 2011, 2012. Kết quả của các dự án đã tạo được sự tin tưởng và ủng hộ nhiệt tình của đối tác để có thể tiếp tục hợp tác giai đoạn khác, hoặc dự án khác kế tiếp.

      Thủy văn – tài nguyên nước:

Trong lĩnh vực thủy văn – tài nguyên nước, Phân viện đã chủ trì, thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu từ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở cũng như nhiều đề tài, dự án hợp tác với các tỉnh thành của khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ với các nội dung điển hình như: đặc điểm khí tượng, thủy văn cho các tỉnh, thành phố; tính toán cân bằng nước; phân vùng ngập và tiêu thoát nước đô thị cho các thành phố; tính toán, thiết kế cốt san nền, chống ngập tại TP.Hồ Chí Minh; xác định dòng chảy đô thị, nghiên cứu quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đánh giá diễn biến dòng chảy mực nước trên hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai; đánh giá về chất lượng nguồn nước; ứng dụng mô hình tính dòng chảy; đánh giá hiệu quả và giải pháp bảo vệ nguồn nước hệ thống thủy lợi; nghiên cứu đánh giá thực trạng tài nguyên nước mưa, đề xuất biện pháp quản lý; nghiên cứu đánh giá hiện trạng phân bố hàm lượng phù sa trên các sông, nghiên cứu tích hợp các mô hình khí tượng, thủy văn, hải văn nhằm nâng cao chất lượng dự báo mực nước trên hệ thống sông Đồng Nai.

      Hải văn:

Trong lĩnh vực hải văn, ở phía Nam, Phân Viện là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và khảo sát về đặc điểm khí tượng, thủy văn biển, thủy động lực biển, nghiên cứu và dự báo sóng, dòng chảy biển, nghiên cứu và tính toán thủy triều, nước dâng, xâm nhập mặn, xói lỡ bờ biển… trên biển Đông, Vịnh Thái Lan đến các vùng ven biển, cửa sông nhằm phục vụ công tác dự báo và phát triển kinh tế biển.

Phân viện đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu như: tương tác biển – khí quyển; nghiên cứu tương tác biển – lục địa và ảnh hưởng của chúng đến các hệ sinh thái ven bờ Đông và bờ Tây Nam Bộ; tính toán phù sa lơ lửng vùng cửa sông, nghiên cứu tính toán dòng chảy vùng ven biển Đông; nghiên cứu dòng chảy tổng hợp vùng biển Tây Nam, xây dựng bản đồ nhạy cảm ven biển và cơ sở dữ liệu biển.

      Môi trường:

Phân viện đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu môi trường, sinh thái như: nghiên cứu ảnh hưởng của mưa axít lên rau cải xanh và tôm sú khu vực Nam Bộ; nghiên cứu hiện trạng sinh thái, tài nguyên đa dạng sinh vật, khu vực Giồng Chùa (sông Gò Gia – Thị Vải); đánh giá điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản vịnh Gành Rái, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh; nghiên cứu đặc điểm sinh học, thử nghiệm sinh sản nhân tạo, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển nguồn lợi ốc Vú nàng và trai Trai tượng tại Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu; nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các biện pháp ứng phó cho ĐBSCL đảm bảo việc phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu – nước biển dâng; tham gia các dự án giám sát môi trường (sông Sài Gòn – Đồng Nai, cầu Cần Thơ, các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh).

      Phân tích hoá nghiệm môi trường:

      Phân viện với phòng thí nghiệm với các máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện đại (như máy quang phổ hấp thu nguyên tử, máy sắc ký Ion, tủ ấm dùng nuôi cấy vi sinh, bộ cất đạm tự động…), đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 17025/2005, được văn phòng chất lượng BoA của Việt Nam công nhận và cấp chứng chỉ VILAS từ năm 2007 đến nay và chứng nhận về quan trắc và phân tích Môi trường của Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường theo NĐ 127 với mã số VIMCERTS073.

Phân viện đã tham gia chương trình phân tích so sánh liên phòng Thí nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng trong nước do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2008 – 2012; chương trình phân tích so sánh Liên phòng thí nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng trong nước do Văn phòng Công nhận Chất Lương BoA tổ chức nãm 2009, 2012; chương trình phân tích so sánh Liên phòng thí nghiệm các chỉ tiêu hóa lý của các mẫu đất, nước, không khí và nước mưa thuộc Chương trình do Mạng lưới Giám sát Lắng đọng Acid vùng Đông Á – EANET, Nhật Bản tổ chức từ năm 2007 đến nay…

Phòng Thí nghiệm của Phân viện đã tham gia các dự án giám sát môi trường cho các đề tài, dự án: sông Sài Gòn – Đồng Nai, cầu Cần Thơ, các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh;

      Khảo sát KTTV&Môi trường:

Đội Khảo sát của Phân viện đã thực hiện xuất sắc nhiều chuyến đo đạc, khảo sát trên mọi miền đất nước, vùng biển, cửa sông, vùng núi cao, rừng sâu…phục vụ cho nhiều đề tài, dự án trong nước và quốc tế như: Đề tài cấp Nhà nước 6002B ở vùng Tứ Giác Long Xuyên; khảo sát Biển Vịnh Thái Lan; quan trắc môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn; tham gia khảo sát đảo Đá Tây (phục vụ cho tính toán xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa); khảo sát, đánh giá tác động môi trường phục vụ xây dựng cảng Cái Mép – Thị Vải; khảo sát, phân tích nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất trong khu vực TP.Hồ Chí Minh; tổ chức và thực hiện đo đạc khảo sát Hải văn Thủy văn và Môi trường nước biển, thực hiện chuyến khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn vùng biển phía Đông và phía Tây Cà Mau; điều tra, khảo sát diễn biến mực nước biển, sông khu vực TP. Hồ Chí Minh v.v…

      Công tác thực nghiệm Khí tượng Nông nghiệp bề mặt và giám sát lắng đọng axit ĐBSCL:

Trạm Quan trắc Khí tượng nông nghiệp và Lắng đọng a xít Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện chức năng điều tra khảo sát các điều kiện KTTV, thực hiện các quan trắc KTTV Quan trắc Khí tượng bề mặt theo các qui trình, quy phạm của ngành và tiến hành các thực nghiệm nông nghiệp trên cây lúa, mía, đậu tương .v.v. đều đặn hàng năm nhằm thu thập, thống kê các yếu tố KTTV để phục vụ công tác nghiên cứu, qui hoạch vùng của địa phương; thực hiện hòa mạng lưới quan trắc của ngành, chuyển các số liệu các ốp quan trắc về Đài khu vực Nam Bộ (4ốp/ngày, điện AGROM, CLIM); công tác nghiên cứu thực nghiệm các vụ lúa, cây ngắn ngày… Trạm cũng phối hợp cùng các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia về khí tượng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp cơ sở.

      Các đề tài, dự án nghiên cứu có thể tham khảo thêm tại địa chỉ của đơn vị www.sihymecc.vn

Để lại một bình luận