Chiều ngày 26/12, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã diễn ra Cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2022 và định hướng công tác năm 2023 của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên chủ trì.
Tham dự Cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên – Bộ KH&CN; Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; các Tiểu ban chuyên môn trực thuộc, bao gồm Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB), Chương trình thủy văn quốc tế (IHP), Chương trình công viên địa chất toàn cầu (GeoPark), Chương trình Hải dương học liên chính phủ (IOC); 02 Trung tâm quốc tế dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ (Trung tâm quốc tế nghiên cứu và đào tạo Toán học và Trung tâm Vật lý quốc tế).
Tại Cuộc họp, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đại diện Tiểu ban chương trình Thủy văn quốc tế, đã báo cáo tổng kết các hoạt động đã thực hiện được trong năm 2022 và định hướng công tác năm 2023.
Trong năm 2022, UBQG IHP Việt Nam đã tổ chức, chủ trì và tham gia các hội thảo quốc tế và trong nước về Thủy văn, Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu, bao gồm: Hội thảo (1) Thông tin thủy văn trong cảnh báo sớm và dự báo lũ; (2) Ứng dụng nghiên cứu khoa học để giải quyết những thách thức trong an ninh nước; (3) Quản lý nước bền vững; (4) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo thiên tai liên quan đến nước. Ngoài ra, UBQG IHP Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Thủy văn Đông Nam Á tổ chức các hội thảo và tham dự các cuộc họp khoa học về Thủy văn và quản lý hiệu quả tài nguyên nước. Bên cạnh đó, một số các đề tài, dự án quan trọng đã và đang được hỗ trợ tiến hành, bao gồm: (1) Phối hợp với các cơ quan thực hiện Dự án về rủi ro lũ và ngập lụt các lưu vực sông tại Việt Nam; (2) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước ở các tỉnh như Bắc Giang, Vĩnh Phúc; (3) Đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu đến công trình dầu khí trên đất liền của Tập đoàn dầu khí Việt Nam; (4) Tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; (5) Tham gia xây dựng bảng cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC cập nhật năm 2022) để trình Ban thư ký của Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC); (6) Tham gia xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu để trình Ban thư ký của Công ước khung về biến đổi khí hậu; (7) Tham gia xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong năm 2023, IHP Việt Nam sẽ tập trung vào các hoạt động sau: (1) Thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia đã đề xuất với Bộ KHCN cho giai đoạn 2021-2025 nếu được phê duyệt; (2) Thực hiện hướng tới mục tiêu IHP – IX giai đoạn 2022-2029; (3) Tham gia vào các hoạt động của IHP khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đóng góp cho các Hội thảo và Hội thảo Khoa học thường niên.
Tại buổi họp, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà cũng khẳng định trong thời gian tới, Tiểu ban chuyên môn IHP Việt Nam sẽ tranh thủ, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO trong triển khai hoạt động của Việt Nam; thúc đẩy ký kết hợp tác, triển khai các sáng kiến, dự án khuyến nghị về Khoa học mở, bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu… nhằm thúc đẩy hoạt động của Tiểu ban ngày càng phát triển, qua đó, đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn đối với hợp tác của Việt Nam trong khuôn khổ UNESCO, đồng thời, nâng cao vị thế của ta tại thiết chế đa phương này. Kiến nghị Bộ TNMT tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của IHP Việt Nam, bố trí kinh phí để tham dự các cuộc họp thường niên của IHP và đại hội đồng UNESCO; kiến nghị Bộ KHCN xem xét, phê duyệt các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia đã trình Bộ KHCN.
PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã khẳng định mặc dù năm 2022 là năm khó khăn do dịch bệnh, sự thay đổi cơ chế nhưng các Tiểu ban đã cơ bản thành nhiệm vụ đề ra. Đã có những sáng tạo trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, tận dụng tính ưu việt của công nghệ truyền thông cũng như đẩy mạnh liên kết với địa phương, huy động được các nguồn lực địa phương. Đề nghị trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Tiểu ban Khoa học Tự nhiên với các Tiểu ban chuyên môn, cùng tìm cách tháo gỡ các khó khăn về cơ chế hoạt động cũng như về kinh phí để thúc đẩy hoạt động của các Tiểu ban. Tiểu ban Khoa học Tự nhiên và các Tiểu ban chuyên môn cần đổi mới hơn nữa để phát huy vai trò của Tiểu ban, tranh thủ nguồn lực quốc tế, Bộ chủ quản và các địa phương, cần tập trung vào một số trọng tâm như triển khai các hoạt động về khoa học mở nhằm tạo nền tảng để thúc đẩy khoa học mở tại Việt Nam.