Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Bằng

Sáng ngày 12/1, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện cho nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thanh Bằng với đề tài: “Nghiên cứu đánh giá tác động của thay đổi thảm phủ và biến đổi khí hậu đến dòng chảy trên lưu vực sông Cả”, ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221.

GS. Trần Hồng Thái chủ trì buổi đánh giá

Tham dự buổi đánh giá cấp Viện của NCS. Nguyễn Thanh Bằng có đại diện cơ sở đào tạo là PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), cùng đại diện các cơ quan phối hợp đào tạo với Viện và các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tại buổi đánh giá, TS. Trần Thanh Thủy (Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế) đã tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và công bố Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện cho NCS. Nguyễn Thanh Bằng.

TS. Đặng Quang Thịnh, Thư ký Hội đồng đọc lý lịch đào tạo của NCS

Theo đó, Hội đồng đánh luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Nguyễn Thanh Bằng đã được thành lập theo Quyết định số 305/QĐ-VKTTVBĐKH, ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Viện Trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với 7 thành viên gồm: GS. TS. Trần Hồng Thái (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) là Chủ tịch Hội đồng; TS. Đặng Quang Thịnh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Thư ký; PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên phản biện 1; PGS. TS. Hoàng Anh Huy (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) là Ủy viên phản biện 2; PGS. TS. Nguyễn Tiền Giang (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là Ủy viên phản biện 3; GS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) và PGS. TS. Dương Văn Khảm (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên.

Dưới sự chủ trì của GS. TS. Trần Hồng Thái, các thành viên trong Hội đồng đã nghe NCS. Nguyễn Thanh Bằng trình bày tóm tắt các nội dung của luận án.

NCS. Nguyễn Thanh Bằng trình bày trước Hội đồng

Theo đó, Luận án xác định mục tiêu là mô phỏng sự thay đổi thảm phủ và dự tính được kịch bản thảm phủ lưu vực sông Cả trong tương lai bằng phương pháp phân tích chuỗi Markov và Cellular Automata; Đánh giá định lượng được tác động đồng thời của sự thay đổi thảm phủ và BĐKH đến dòng chảy lưu vực sông Cả trong tương lai.

Trừ các phần mở đầu và kết luận thì luận án có cấu trúc gồm 3 chương. Trong đó, chương một tổng quan về đánh giá tác động của thay đổi thảm phủ và biến đổi khí hậu đến dòng chảy trên lưu vực sông Cả; chương hai cơ sở khoa học, phương pháp đánh giá tác động của thay đổi thảm phủ và biến đổi khí hậu đến dòng chảy lưu vực sông Cả; chương ba đánh giá tác động của thay đổi thảm phủ và BĐKH đến dòng chảy lưu vực sông Cả.

Với các kết quả nghiên cứu đã thu được, Luận án chứa đựng ý nghĩa khoa học lớn. Các luận cứ khoa học, thực tiễn và quy trình mô phỏng, dự tính kịch bản thảm phủ tương lai cho lưu vực sông Cả có ý nghĩa làm căn cứ khoa học để có khả năng áp dụng cho các lưu vực tương tự. Kết quả mô phỏng và dự tính thảm phủ tương lai trực quan và định lượng với 5 lớp phủ chủ yếu: Rừng, Nông nghiệp, Xây dựng, Vùng nước, Đất trống góp phần bổ sung thêm các hiểu biết, nguồn thông tin có độ tin cậy về thảm phủ lưu vực sông Cả hỗ trợ cung cấp đầu vào quan trọng cho các nghiên cứu về tài nguyên đất, nước và môi trường của lưu vực này.

Toàn cảnh buổi đánh giá

Kết quả đánh giá tác động đồng thời của sự thay đổi thảm phủ và biến đổi khí hậu tới tài nguyên nước, cụ thể là dòng chảy bề mặt lưu vực sông Cả đóng góp thêm vào các hiểu biết của nhà khoa học khi nghiên cứu về vấn đề tài nguyên nước cho lưu vực sông Cả, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Về ý nghĩa thực tiễn, kịch bản thảm phủ lưu vực sông Cả năm 2030 sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong công tác quy hoạch và có kế hoạch, phương án quản lý hiệu quả vấn đề sử dụng đất ở lưu vực sông Cả nói riêng và Nghệ An, Hà Tĩnh nói chung. Luận cứ khoa học và kết quả luận án có thể được sử dụng để hỗ trợ quản lý tổng thể về tài nguyên nước đặc biệt là dòng chảy mặt và cung cấp cơ sở khoa học trong việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp quy, quản lý nhà nước nhằm giảm nhẹ các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước khu vực nghiên cứu.

Sau phần trình bày của NCS. Nguyễn Thanh Bằng, các thầy cô trong Hội đồng đã lần lượt đọc ý kiến phản biện. Kết thúc phiên họp kín, các thành viên Hội đồng đánh giá NCS. Nguyễn Thanh Bằng đủ tiêu chuẩn đạt trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, NCS. cần sửa chữa và hoàn thiện Luận án theo Quyết nghị của Hội đồng trước khi nộp cho Thư viện Quốc gia.

Một số hình ảnh của buổi chấm luận án tiến sĩ của NCS. Nguyễn Thanh Bằng:

 PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, đại diện cơ sở đào tạo phát biểu và tặng hoa NCS

Giáo viên hướng dẫn nhận xét và nhận hoa từ NCS

Các thầy trong Hội đồng chụp ảnh cùng NCS

NCS phát biểu tại buổi đánh giá.

Để lại một bình luận