Bản đồ lớp phủ bề mặt bằng ảnh vệ tinh MODIS tỷ lệ 1: 250.000

Dữ liệu MODIS cho nghiên cứu lớp phủ bề mặt được thu nhận từ nguồn cung cấp của NASA, do trung tâm Land Processes Distributed Active Archive Center (LP DAAC) phân phối (http://www.lpdaac.usgs.gov). Hệ thống thu nhận của NASA xử lý dữ liệu MODIS cho toàn cầu và tạo ra các sản phẩm MODIS chuẩn để lưu trữ cho các mục đích nghiên cứu và theo dõi tài nguyên môi trường trên đất liền và bề mặt đại dương toàn cầu.

Bản đồ lớp phủ bề mặt năm 2015 dựa trên dữ liệu tổ hợp MODIS được thực hiện qua các bước xử lý ảnh (chuyển đổi hệ tọa độ, hiệu chỉnh hình học, cắt ảnh theo khu vực Việt Nam, lọc mây, lọc nhiễu…) và tính toán chỉ số thực vật NDVI trên từng ảnh theo công thức:

NDVI = (NIR-R)/(NIR+R) = (Kênh 2 – Kênh 1)/(Kênh 2 + Kênh 1)

Sử dụng phương pháp tổ hợp theo giá trị cực đại (Maximum Value Composite – MVC). Đây là phương pháp truyền thống, được sử dụng khá rộng rãi trong các nghiên cứu liên quan ở trên thế giới. Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc khá đơn giản, đó là kết hợp các ảnh lấy giá trị lớn nhất của giá trị pixel trong các ảnh đầu vào cho sản phẩm đầu ra. Điều này sẽ giúp khắc phục loại bỏ hoặc làm giảm thiểu các pixel có giá trị được giải đoán là mây (trị tuyệt đối của giá trị chỉ số NDVI nhỏ, xấp xỉ 0) hoặc các pixel bị nhiễu do các sai số hệ thống hay các nguyên nhân khác làm giảm giá trị của chỉ số NDVI so với thực tế.

         Dựa trên bản đồ sử dụng đất hiện có, hệ thống phân loại lớp phủ khu vực cho toàn Việt Nam được xác định 7 loại hình lớp phủ: (1) Đất nông nghiệp; (2) Rừng thưa; (3) Rừng dày; (4) Rừng trung bình; (5) Dân cư; (6) Mặt nước (hoặc nuôi trồng thủy sản); và (7) Đầm lầy.

Từ bản đồ lớp phủ bề mặt đất năm 2015 trên, ta có:

– Đất trồng lúa tập trung ở hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long

– Dân cư tập trung đông ở các thành phố

– Địa hình đồi núi chủ yếu được bao phủ bởi đất rừng

Có thể sử dụng dữ liệu MODIS đa thời gian trong theo dõi thường xuyên biến động sử dụng đất. Đặc biệt, sử dụng đặc tính thời gian của NDVI cho phép phân biệt vùng đất chuyên trồng lúa với các vùng đất xen canh nhằm bổ trợ cho công tác theo dõi lúa bằng dữ liệu vệ tinh độ phân giải cao như SPOT / ASTER. Đây là một giải pháp có giá thành thấp (do dữ liệu MODIS là miễn phí, chỉ có chi phí xử lý phân tích dữ liệu). Mặt khác, dữ liệu MODIS còn có thể cung cấp thông tin về nhiệt độ bề mặt và độ ẩm nên mở rộng bổ sung nghiên cứu khai thác kết hợp với các kênh MODIS khác trong nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Trả lời