Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia

Link Báo cáo: Tại đây
 
1. Mở đầu

Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia được xây dựng theo quy định tại Điều 35 của Luật khí tượng thủy văn năm 2015 và nội dung của Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia được quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTNMT.

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất (sau đây gọi tắt là Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia) đã đánh giá khí hậu cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bao gồm khí hậu trên đất liền và khí hậu vùng biển. Các phương pháp thống kê, phương pháp mô hình toán, phương pháp tổng hợp, kế thừa được sử dụng để xây dựng báo cáo. Số liệu sử dụng trong Báo cáo được kế thừa từ dự án “Cập nhật kịch bản BĐKH, NBD cho Việt Nam” thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và TTX giai đoạn 2016-2020. Các số liệu về nhiệt độ, lượng mưa tại 150 trạm khí tượng và số liệu mực nước biển tại 15 trạm hải văn được thu thập từ năm bắt đầu có số liệu từ 1958 (đối với số liệu tháng) và từ 1961 (đối với số liệu ngày) đến năm 2018, một số số liệu liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan được cập nhật đến năm 2020.

Đây là báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất, được xây dựng vào năm cuối của kỳ đánh giá (năm 2018). Báo cáo sẽ được cập nhật định kỳ theo lộ trình được quy định trong Luật khí tượng thủy văn.

2. Bố cục và nội dung cơ bản của Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia bao gồm 4 chương với các nội dung chính sau:

– Chương 1. Dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu Việt Nam.

+ Đặc điểm của khí hậu Việt Nam

Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Do có lãnh thổ trải dài theo nhiều vĩ tuyến và địa hình đa dạng nên sự khác nhau về khí hậu giữa các vùng khá lớn và rõ nét.

Miền khí hậu phía Bắc và phía Nam có ranh giới là đường đẳng trị biên độ nhiệt độ năm bằng 9ºC, đi qua phía trên vĩ tuyến 16º Bắc. Miền khí hậu phía Bắc được phân chia thành 4 vùng khí hậu là Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và miền khí hậu phía Nam được chia thành 3 vùng khí hậu là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đặc điểm chính của miền khí hậu phía Bắc là cán cân bức xạ thấp, nắng ít, nền nhiệt độ thấp và mùa đông lạnh. Đặc điểm chính của miền khí hậu phía Nam là cán cân bức xạ cao, nắng nhiều, nền nhiệt độ cao và mùa đông không lạnh.

Khí hậu đất liền được chia thành 7 vùng khí hậu là: (i) Vùng khí hậu Tây Bắc; (ii) Vùng khí hậu Đông Bắc; (iii) Vùng khí hậu đồng bằng Bắc Bộ; (iv) Vùng khí hậu Bắc Trung Bộ; (v) Vùng khí hậu Nam Trung Bộ; (vi) Vùng khí hậu Tây Nguyên; (vii) Vùng khí hậu Nam Bộ. Các vùng khí hậu phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây nguyên có nền nhiệt tương đối thấp với nhiệt độ trung bình năm dao động phổ biến trong khoảng 16 ÷ 26ºC. Vùng khí hậu Nam Trung Bộ và Nam Bộ có nền nhiệt khá cao với nhiệt độ trung bình năm phổ biến trong khoảng 25 ÷ 28ºC. Lượng mưa trung bình năm của vùng khí hậu Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ là cao nhất với khoảng hơn 2.100mm, tiếp theo là vùng khí hậu Tây Nguyên và Nam Bộ khoảng hơn 1.900mm và các vùng khí hậu phía Bắc từ hơn 1.600mm đến hơn 1.800mm. Hiện tượng sương muối xảy ra nhiều hơn ở các vùng khí hậu phía Bắc đặc biệt là Tây Bắc và Đông Bắc. Mặt khác, hiện tượng hạn hán thường được ghi nhận ở các vùng khí hậu từ Bắc Trung Bộ đến Nam Bộ.

Khí hậu vùng biển được chia thành 8 vùng, bao gồm 6 vùng biển ven bờ và 2 vùng biển ngoài khơi: (i) Vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ, (ii) Nam vịnh Bắc Bộ, (iii) từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, (iv) từ Bình Định đến Ninh Thuận, (v) từ Bình Thuận đến Cà Mau, (vi) từ Cà Mau đến Kiên Giang, (vii) khu vực quần đảo Hoàng Sa (vùng biển ngoài khơi bắc Biển Đông); và (viii) khu vực quần đảo Trường Sa (vùng biển ngoài khơi nam Biển Đông). Các vùng biển ven bờ có đặc điểm cơ bản của vùng khí hậu ven bờ và cũng mang những nét của khí hậu hải dương. Vùng biển các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mang đặc điểm của vùng khí hậu hải dương, thể hiện rõ nét là có mùa hè mát hơn và mùa đông ấm hơn, nhiệt độ tối cao thường thấp hơn và nhiệt độ tối thấp thường cao hơn so với khí hậu đất liền.

Hình 1. Các vùng khí hậu của Việt Nam

Nguồn: Nguyễn Đức Ngữ và Nguyễn Trọng Hiệu (2004)

+ Diễn biến, xu thế khí hậu và khí hậu cực đoan

Báo cáo đã đánh giá diễn biến của khí hậu, xu thế thay đổi của khí hậu và khí hậu cực đoan trong thời kỳ 1958-2018. Các yếu tố được xét đến bao gồm: Các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa), các cực đoan khí hậu (nhiệt độ tối cao trung bình, tối thấp trung bình, lượng mưa 1 ngày lớn nhất), các hiện tượng khí hậu cực đoan (bão và áp thấp nhiệt đới, nắng nóng, rét đậm, rét hại, sương muối tiềm năng). Một số kết luận có thể được rút ra như sau:

• Nhiệt độ trung bình, nhiệt độ tối cao trung bình năm, nhiệt độ tối thấp trung bình năm trên cả nước và các vùng khí hậu đều có xu thế tăng.

• Lượng mưa năm trung bình có xu thế tăng ở 03 vùng khí hậu Nam Trung Bộ (tăng nhiều nhất), Tây Nguyên và Nam Bộ (tăng ít nhất); không có xu thế rõ ràng ở 04 vùng khí hậu Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

• Mực nước biển trung bình tại các trạm hải văn ven biển và hải đảo của Việt Nam tăng khoảng 2,74mm/năm.

• Xâm nhập mặn có xu thế tăng ở hầu hết các sông trên cả nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

• Số cơn bão mạnh có cường độ trên cấp 12 hoạt động trên Biển Đông có xu thế tăng nhẹ, khoảng 0,3cơn/thập kỷ.

• Số ngày có sương muối tiềm năng có xu thế tăng ở Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, trong đó, vùng Nam Trung Bộ có xu thế tăng mạnh nhất, giảm nhẹ ở Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.

• Số trận lũ với biên độ trên 1,0m có xu thế tăng là Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; do có hồ chứa điều tiết nên số trận lũ lớn ở Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ giảm.

• Số trận lũ quét có xu thế tăng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

• Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên toàn quốc, riêng ở Tây Nguyên có xu thế giảm nhẹ.

• Số ngày rét đậm, rét hại ở miền Bắc có xu thế giảm.

• Số trận mưa đá gia tăng, gây nhiều thiệt hại tăng.

• Sương muối xuất hiện nhiều nhất ở vùng núi Bắc Bộ, một số nơi ở trung du Bắc Bộ và một số nơi ở miền Trung như vùng núi Thanh Hóa, Tây Nghệ An và Lâm Đồng.

+ Mức độ dao động, biến đổi của khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan

Báo cáo đã đánh giá dao động khí hậu và BĐKH ở Việt Nam trong 10 năm cuối của kỳ đánh giá (2009-2018) so với 10 năm kỳ trước (1999-2008) và thời kỳ 1958-2018. Các yếu tố được xét đến bao gồm: Các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa), các cực đoan khí hậu (nhiệt độ tối cao trung bình, tối thấp trung bình, lượng mưa 1 ngày lớn nhất), các hiện tượng khí hậu cực đoan (bão và áp thấp nhiệt đới, nắng nóng, rét đậm, rét hại, sương muối tiềm năng). Một số kết luận được rút ra, bao gồm:

• Hầu hết các yếu tố khí hậu và cực đoan khí hậu trong thời kỳ 2009-2018 có mức độ dao động mạnh hơn so với thời kỳ 1999-2008.

• Nhiều tháng có mức dao động trong thời kỳ 2009-2018 bằng với thời kỳ 1958-2018, điều đó có nghĩa là trong cả thời kỳ dài của chuỗi số liệu, mức độ dao động mạnh nhất rơi vào 10 năm cuối của kỳ đánh giá 2009-2018.

– Chương 2. Mức độ phù hợp của kịch bản biến đổi khí hậu và việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

+ Mức độ phù hợp của kịch bản so với diễn biến thực tế của khí hậu

Báo cáo đã đánh giá mức độ phù hợp của kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016 so với diễn biến thực tế của khí hậu ở Việt Nam. Các kết luận được rút ra bao gồm:

• Xu thế thay đổi trung bình thời kỳ 2016-2035 của kịch bản BĐKH về nhiệt độ, lượng mưa, NBD và cực đoan khí hậu so với trung bình thời kỳ cơ sở 1986-2005 phần lớn phù hợp với xu thế của số liệu thực đo trong thời kỳ 1986-2018.

• Diễn biến thực tế của nhiệt độ trung bình năm phù hợp với kết quả dự tính theo kịch bản RCP4.5 hơn so với theo kịch bản RCP8.5.

• Diễn biến thực tế của tổng lượng mưa năm phù hợp với kết quả dự tính theo kịch bản RCP8.5 hơn ở vùng khí hậu Đông Bắc và phù hợp với kết quả dự tính theo kịch bản RCP4.5 hơn ở các vùng khí hậu còn lại.

• Mực nước biển thực tế có xu thế tăng nhanh hơn so với dự tính ở khu vực V (Mũi Đại Lãnh-Mũi Kê Gà) và có xu thế tăng chậm hơn so với dự tính ở khu vực VI (Mũi Kê Gà-Mũi Cà Mau) nhưng không đáng kể.

Hình 2. Mức độ phù hợp nhiệt độ trung bình năm
theo các kịch bản biến đổi khí hậu so với số liệu quan trắc

Hình 3. Mức độ phù hợp lượng mưa năm theo các kịch bản biến đổi khí hậu
so với số liệu quan trắc
Hình 4. Mức độ phù hợp nước biển dâng theo các kịch bản biến đổi khí hậu
so với số liệu quan trắc

+ Mức độ sử dụng kịch bản đối với hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam đã được sử dụng trong quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình quan trọng ứng phó với BĐKH từ cấp Trung ương, bộ, ngành và địa phương.

Trong quá trình đó, các kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam đều được nghiên cứu, sử dụng hoặc tham khảo kết quả của các nghiên cứu khác có sử dụng kịch bản BĐKH và nước biển dâng. Các thông tin định lượng của kịch bản được sử dụng trong xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nhằm thực hiện các chính sách ứng phó với BĐKH ở cấp trung ương và các hành động cụ thể ứng phó với BĐKH ở cấp địa phương.

Các bộ, ngành đã sử dụng kịch bản BĐKH và nước biển dâng trong xây dựng các chiến lược, chính sách, kế hoạch ứng phó với BĐKH quốc gia và cấp ngành. Các thông tin định lượng của kịch bản BĐKH và nước biển dâng được sử trong đánh giá tác động của BĐKH và xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH.

Ở cấp địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã sử dụng kịch bản BĐKH và nước biển dâng làm cơ sở cho việc xây dựng và ban hành các kế hoạch hành động ứng với phó với BĐKH cấp tỉnh. Việc xây dựng, ban hành Kế hoạch này dựa trên kết quả thực hiện các đề tài, dự án ở cấp tỉnh, trong đó hầu hết có sử dụng định lượng kết quả nghiên cứu của các kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam.

– Chương 3. Tác động của biến đổi khí hậu.

Báo cáo đã đánh giá tổng hợp tác động của BĐKH đến Việt Nam. Các tác động được xét đến bao gồm: Tác động của BĐKH đến sự gia tăng thiên tai khí tượng thủy văn; tài nguyên; môi trường và hệ sinh thái; các hoạt động kinh tế – xã hội. Một số kết luận được rút ra, bao gồm:

• BĐKH có thể làm gia tăng các cơn bão mạnh ở khu vực Biển Đông.

• BĐKH làm gia tăng lượng mưa ở hầu hết các tháng trong năm, do đó cũng làm gia tăng lượng dòng chảy trong sông.

• Nguy cơ gia tăng về khô hạn, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn, ngập lụt, xói mòn, rửa trôi, sạt lở sẽ làm cho diện tích đất có thể sử dụng cho các mục đích bị suy giảm.

• Nguy cơ cháy rừng, nguy cơ phát triển và lây lan sâu bệnh hại rừng gia tăng dưới tác động của thay đổi nhiệt độ làm ảnh hưởng đến sản lượng và giá trị của các sản phẩm từ rừng.

• Mức độ đa dạng sinh học, cấu trúc thành phần loài của các hệ sinh thái có thể bị thay đổi do môi trường sống bị thay đổi, nguy cơ tuyệt chủng loài gia tăng. BĐKH làm thay đổi chế độ thủy, hải văn, sóng biển và nước biển dâng sẽ có tác động đáng kể đến thu hẹp diện tích của hệ sinh thái rừng ngập mặn.

• Các hoạt động KT-XH cũng chịu tác động mạnh bởi BĐKH. Nhiệt độ tăng khiến cho nhu cầu tưới cho cây trồng tăng mạnh, sự gia tăng của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng bất thường, rét đậm, rét hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khả năng sinh sản, sự sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đáng kể đến các hệ sinh thái rừng và lâm nghiệp.

– Chương 4. Kết quả của hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong ứng phó với BĐKH. Các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án đều hướng đến việc thực hiện các nhiệm vụ trong Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH và lồng ghép vào các kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương.

Các biện pháp thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK được thực hiện cũng như lồng ghép thực hiện theo các định hướng: (i) Tăng cường năng lực giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; (ii) Bảo đảm an ninh lương thực, an ninh về nước; (iii) Chủ động ứng phó với thiên tai; chống ngập cho các thành phố lớn; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; (iv) Giảm nhẹ phát thải KNK, phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp; (v) Tăng cường năng lực quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách về BĐKH; (vi) Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, chính trị – xã hội và các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó với BĐKH; xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với BĐKH; (vii) Nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực; (viii) Phát triển khoa học và công nghệ làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, đánh giá tác động, xác định các giải pháp thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK; (ix) Hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế về BĐKH; (x) Huy động các nguồn lực và tài chính cho ứng phó với BĐKH.

Việc triển khai và thực hiện các nhiệm vụ này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực có tiềm năng giảm nhẹ và hấp thụ KNK như năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, chất thải và các quá trình công nghiệp.

Hơn nữa, việc thực hiện các biện pháp ứng phó với BĐKH cũng đã có những đóng góp đối với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam như an ninh lương thực, an ninh nước, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, mang lại lợi ích kinh tế – xã hội khác như phát triển xanh, xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng…

Tuy nhiên, với tình hình BĐKH ngày càng phức tạp, các hoạt động ứng phó với BĐKH cần được tăng cường hơn nữa, các giải pháp thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK có hiệu quả cao cần được nhân rộng cho các địa phương khác trên cả nước để các hoạt động ứng phó với BĐKH có thể đạt được mức hiệu quả cao nhất.

3. Kết luận

Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất được xây dựng với mục đích cung cấp các thông tin về đặc điểm, hiện trạng và mức độ thay đổi của khí hậu, những tác động ở hiện tại và trong tương lai của BĐKH để hỗ trợ cho việc xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó với BĐKH và lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng góp phần phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về các thay đổi của khí hậu, tác động của BĐKH, các thách thức cũng như cơ hội trong ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

Các nội dung chính của Báo cáo liên quan đến: (i) Phân tích mức độ dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu ở Việt Nam (Chương I); (ii) Xác định mức độ phù hợp của kịch bản BĐKH, việc sử dụng kịch bản BĐKH trong hoạt động ứng phó với BĐKH (Chương II); (iii) Đánh và tổng hợp tác động của BĐKH đối với các nhóm đối tượng chính như thiên tai khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế – xã hội (Chương III); và (iv) Tổng hợp và đánh giá hiệu quả của các chính sách ứng phó với BĐKH ở Việt Nam có tính đến các tác động đến phát triển kinh – tế xã hội và mục tiêu phát triển bền vững (Chương IV). Do Báo cáo được xây dựng lần đầu tiên nên một số thông tin và các chỉ số đánh giá chưa được xây dựng, thu thập và áp dụng một cách đầy đủ, vì thế cần được cập nhật và hoàn thiện trong các kỳ báo cáo tiếp theo.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

 

Để lại một bình luận