Báo cáo về công tác chuyên môn và định hướng nghiên cứu của Viện trong thời kỳ mới

Sáng ngày 9/11, Thứ trưởng Lê Công Thành đã có buổi làm việc với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) về kết quả thực hiện công tác chuyên môn và một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới.

Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Vụ Khoa học công nghệ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện.

 

Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì buổi làm việc

Thành tựu nổi bật về nghiên cứu khoa học

Tại buổi làm việc, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà – Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã trình bày báo cáo tóm tắt về các kết quả công tác chuyên môn của Viện.

Thực hiện vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành về Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, Viện đã luôn chủ động tìm tòi, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn cả về thời gian và chất lượng.

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH

Chỉ tính riêng trong năm 2021, Viện hoàn thành thủ tục kế thúc 02 đề tài cấp nhà nước, 2 đề tài cấp bộ theo đúng tiến độ và đang thực hiện 3 đề tài cấp nhà nước: Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc trường mưa trong bão và thử nghiệm xây dựng mô hình dự báo phân bố mưa trong bão cho Việt Nam bằng số liệu vệ tinh; Nghiên cứu xây dựng phương pháp luận theo tiếp cận kết hợp “từ trên xuống” và “từ dưới lên” đánh giá rủi ro nguồn nước do thay đổi chế độ thủy văn dưới tác động của thay đổi khu vực và toàn cầu; Nghiên cứu các yếu tố và cơ chế ảnh hưởng đến sự thay đổi cường độ, hướng di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và xây dựng phương pháp dự báo sớm.

Cùng với đó là 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ gồm: Nghiên cứu ảnh hưởng của ENSO tới các yếu tố khí tượng thủy văn và Môi trường biển trên khu vực biển Đông phục vụ công tác dự báo và quản lý môi trường biển; Nghiên cứu thử nghiệm dự báo chất lượng không khí hạn ngắn cho khu vực thành phố Hà Nội; Nghiên cứu hoạt động của tín phong (trade wind) và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam.

 

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà – Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH báo cáo kết quả

Cũng trong năm nay, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã bảo vệ thành công thuyết minh và dự toán đề xuất các nhiệm vụ: “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ khoanh vùng khu vực trồng trọt hữu cơ theo đặc trưng tài nguyên và môi trường tại vùng trung du và miền núi Bắc Bộ” ngày 19/4/2021; Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo khí hậu Nông nghiệp, áp dụng cho dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng; Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo các đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn trong mùa đông ở khu vực phía Bắc Việt Nam hạn đến 10 ngày dựa trên quy luật hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới. Đặc biệt, Viện đã bảo vệ thành công thuyết minh và dự toán 01 đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống lũ, xây dựng công nghệ nhận dang lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng và đề xuất giải pháp ứng phó. 

Định hướng trong thời kỳ mới

Phát huy vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu ngành về Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển và hội nhập trong thời kỳ mới, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã đề ra các định hướng nghiên cứu chiến lược cho từng lĩnh vực cụ thể.

Trong đó, lĩnh vực Khí tượng – Khí hậu và ứng dụng thông tin khí tượng khí hậu tập trung vào nghiên cứu xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu trong bài toán dự báo xoáy thuận nhiệt đới, mưa lớn cho Việt Nam; Xây dựng mô hình dự báo dựa trên tác động của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các khu vực của Việt Nam; xem xét dịch vụ khí hậu; Nghiên cứu xây dựng hệ thống các mô hình động lực khu vực trong nghiệp vụ dự báo từ quy mô nội mùa (15-45 ngày) đến quy mô mùa (hạn đến 9 tháng) các trường khí hậu trung bình tháng và một số hiện tượng cực đoan cho Việt Nam; Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam dựa trên các kết quả công bố mới nhất của IPCC (Báo cáo AR6); Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các yếu tố khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam.

 

Toàn cảnh cuộc họp

Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch và phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng, khí tượng nông nghiệp; cơ sở khoa học phục vụ xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật của ngành KTTV; Nghiên cứu đánh giá tài nguyên khí hậu khí hậu, khí hậu nông nghiệp và phân vùng tài nguyên khí hậu và thiên tai phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chú trọng vào nghiên cứu phân vùng phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ, cây dược liệu và cây trồng có giá trị kinh tế cao và tài nguyên năng lượng tái tạo; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô hình số và công nghệ mới (AI, Big Data) trong dự báo tác động và khuyến cáo ứng phó; xử lý sản phẩm cảnh báo và dự báo khí hậu trong dự báo phục vụ các ngành kinh tế xã hội; mô hình hóa tác động của khí hậu đến các lĩnh vực kinh tế xã hội; xây dựng công cụ cảnh báo và dự báo tác động dựa trên công nghệ AI và Big Data.

Phát triển dịch vụ dự báo tác động, dự báo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định, ứng dụng thông tin khí hậu phục vụ phát triển bền vững của các Bộ, ngành và địa phương.

Đối với Thủy văn – Hải văn tập trung đẩy mạnh các nghiên cứu cải tiến chất lượng dự báo lũ trên lưu vực sông và dự báo ngập lụt đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), đồng hóa dữ liệu mưa, hiệu chỉnh kết quả sau mô hình.

Phát triển các nghiên cứu nhằm cải tiến chất lượng cảnh báo lũ quét thông qua việc làm chủ công nghệ cảnh báo lũ quét và nâng cấp mô hình VNOFFG (theo hướng hiệu chỉnh dữ liệu mưa, tích hợp radar và nâng cấp mô hình);

Đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến chất lượng dự báo sóng, nước dâng do bão theo hướng đồng hóa dữ liệu các trường hải văn, mô hình couple khí quyển – đại dương, hiệu chỉnh kết quả sau mô hình;

Nghiên cứu dự báo hạn dài các yếu tố hải văn theo quy mô tháng, mùa theo hướng thống kê động lực kết hợp ứng dụng công nghệ AI;

Nghiên cứu xây dựng, cập nhật kịch bản nước biển dâng do biến đổi khí hậu theo hướng cập nhật các kết quả mới nhất của IPCC, chi tiết theo thực tế thay đổi của từng địa phương và đáp ứng theo nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương.

Về lĩnh vực Môi trường, tập trung kiểm soát ô nhiễm không khí trong đó mục tiêu là xây dựng và hoàn thiện phương pháp đánh giá và dự báo chất lượng môi trường không khí, kiểm kê phát thải và lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; xây dựng và phát triển công nghệ, mô hình xử lý nước thải tại chỗ, mô hình quản lý nước thải và công nghệ đánh giá sức chịu tải môi trường nước mặt; Xây dựng và phát triển mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho đô thị và nông thôn, công nghệ tái chế chất thải hữu cơ và rác thải thực phẩm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; Xây dựng và phát triển công cụ đánh giá rủi ro môi trường và sức khỏe môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Lĩnh vực Biến đổi khí hậu tập trung nghiên cứu đánh giá và dự báo tác động, tính dễ bị tổn thương và rủi ro do BĐKH đến các ngành, các lĩnh vực và khu vực, đánh giá tổn thất và thiệt hại do BĐKH trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Viện xây dựng và cập nhật; Nghiên cứu các giải pháp thích ứng và khả năng chống chịu với BĐKH dựa vào tự nhiên (nature-based solutions); Nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ khí nhà kính phục vụ mục tiêu trung hòa các bon (net-zero emission) vào năm 2050. Tác động của các giải pháp đối với Phát triển kinh tế xã hội; đồng lợi ích giữa phát triển, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Ứng dụng và công nghệ hướng tới hiện đại hóa hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn; Công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và công tác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn – Trần Hồng Thái phát biểu

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị tham dự cũng đánh giá cao các hoạt động khoa học, công nghệ của Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng nêu những góp ý, chia sẻ và kế hoạch hợp tác với Viện về các lĩnh vực trong tương lai.

Là người chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh rằng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh), Việt Nam đặt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040. Chính phủ sẽ có kế hoạch và lộ trình ban hành những quy định mới về giảm phát thải khí nhà kính và đây chính là cơ hội để Viện phối hợp cùng các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ như Cục Biến đổi khí hậu, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành các Thông tư và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu.

Để lại một bình luận