Phòng, chống thiên tai nhìn từ đợt mưa lũ tại miền núi phía Bắc vừa qua
Các địa phương cần chủ động ứng phó
09:04 | 03/07/2018
Muốn phòng, chống thiên tai hiệu quả, các địa phương cần bảo đảm nguyên tắc là “phải chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra. Theo đó, bên cạnh phương án ứng phó khẩn cấp tổng thể quốc gia, các địa phương cần xây dựng phương án ứng phó tùy theo tính chất và mức độ rủi ro của các loại hình thiên tai”, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu HUỲNH THỊ LAN HƯƠNG nêu ý kiến.
Dự báo, cảnh báo khí tượng là bài toán khó
– Đợt mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua đã gây ra hậu quả rất nặng nề. Theo bà có hay không công tác dự báo, cảnh báo chưa thực sự sát với tình hình?
– Thời gian qua, được sự quan tâm của Nhà nước về đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ và nhân lực, công tác dự báo khí tượng thủy văn đã được cải thiện đáng kể, các bản tin dự báo, cảnh báo được dự báo sớm hơn. Qua theo dõi, phân tích chuyên ngành bản tin cảnh báo thiên tai về lũ, lũ quét, sạt lở đất được phát đi từ 10h sáng ngày 22.6; cảnh báo mưa to dông mạnh từ ngày 23 – 25.6 và nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh từ Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang là rất sớm. Tuy vậy vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị phòng, chống thiên tai các cấp, đặc biệt là dự báo các hiện tượng cực đoan như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
– Nguyên nhân do đâu, thưa bà?
– Trước hết, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn luôn là bài toán khó không chỉ riêng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế – xã hội phát triển đa dạng với nhiều ngành, nghề khác nhau và địa bàn ngày càng mở rộng, trong đó nhiều vùng có nguy cơ thiên tai cao. Công nghệ của cả hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và hệ thống xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn vẫn còn hạn chế. Mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn còn quá thưa, lại chưa thực hiện quan trắc và truyền số liệu tự động nên không đáp ứng được yêu cầu số liệu đầu vào của các mô hình dự báo, đặc biệt là các mô hình số trị.
Mặt khác, các giải pháp công nghệ viễn thám như ảnh mưa vệ tinh chưa đủ chi tiết. Hiện nay chưa có mô hình cảnh báo lũ quét tích hợp mưa radar cho Việt Nam. Ngoài ra, biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra những thách thức mới cho công tác dự báo khí tượng thủy văn.
|
Phải triển khai bản đồ cảnh báo rủi ro đến cấp xã
– Theo bà, đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng công tác dự báo?
– Để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là lũ, lũ quét, sạt lở đất, chúng ta cần tăng cường mật độ mạng lưới trạm đo mưa tự động. Các trạm này cần đặt ở đầu nguồn các sông suối nhỏ, đồng thời đồng bộ hóa việc thu nhận, xử lý, lưu trữ và truyền tin các loại số liệu đo đạc tự động (mưa, mực nước, các yếu tố khí tượng, thủy văn khác) với số liệu vệ tinh, radar. Đặc biệt phải chú trọng vào việc ứng dụng ước lượng mưa lớn từ radar, vệ tinh phân giải cao, mạng lưới quan trắc mưa tự động để cảnh báo chi tiết mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất đến từng khu vực nhỏ, huyện, xã.
Bên cạnh đó, cần triển khai cảnh báo tức thời các vị trí mưa lớn, có nguy cơ đặc biệt cao xuất hiện lũ quét sạt lở đất trên cơ sở giám sát mưa tự động, ảnh rada, vệ tinh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao, đào tạo đối với các dự báo viên địa phương để có thể chi tiết hóa dự báo định lượng mưa, dự báo các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho khu vực của mình.
Song song với đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền tới các cấp lãnh đạo, nhà quản lý phòng, chống thiên tai ở các cấp và cả người dân để hiểu đúng và đánh giá khách quan mức độ nguy hiểm của các hiện tượng thiên tai, nhằm đưa ra những biện pháp và hành động phù hợp trong từng tình huống thiên tai.
– Bài học nào cho các địa phương nhìn từ đợt mưa lũ vừa qua, thưa bà?
– Theo tôi, trước hết phải tăng cường giữ gìn, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để bảo đảm đủ diện tích rừng và chất lượng rừng tự nhiên, tạo mặt đệm để tăng khả năng giữ nước, ổn định dòng chảy. Tiếp đó, các địa phương cần quản lý chặt các hoạt động kinh tế có tác động trực tiếp vào thiên nhiên, nhằm giảm thấp nhất nguy cơ gây ra lũ ống, lũ quét.
Bên cạnh đó, địa phương cần tính đến vấn đề phòng, chống thiên tai trong quy hoạch dân cư, hạn chế hoặc không cho dân ở tại các khu vực có nguy cơ thiên tai cao. Đặc biệt, cần tuyên truyền về thông tin cảnh báo thiên tai tới người dân bằng mọi phương tiện truyền thông từ báo, đài và cả các phương tiện truyền thông cổ động tới từng thôn bản. Trong đó, phải chọn lựa hình thức thông tin phù hợp tới người dân bằng ngôn ngữ địa phương để bà con hiểu và chủ động trong phòng, tránh.
Nguyên tắc là các địa phương phải chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra. Theo đó, bên cạnh phương án ứng phó khẩn cấp tổng thể quốc gia, các địa phương cần xây dựng các phương án ứng phó tùy theo tính chất và mức độ rủi ro của các loại hình thiên tai. Muốn vậy, cần có các bản đồ cảnh báo rủi ro thiên tai triển khai chi tiết đến cấp huyện, xã. Đây là công cụ quan trọng hỗ trợ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
– Xin cảm ơn bà!
Vũ Thủy thực hiện