Đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Phạm Thị Thu Hương

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở cho nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Thị Thu Hương với đề tài: “Nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”, ngành: Biến đổi khí hậu, mã số: 9440221 đã diễn ra chiều ngày 28/10/2021 tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Tham dự buổi đánh giá của NCS. Phạm Thị Thu Hương có đại diện cơ sở đào tạo là PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), các thành viên trong Hội đồng và nhiều chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

PGS. TS Huỳnh Thị Lan Hương chủ trì buổi đánh giá

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở của NCS. Phạm Thị Thu Hương gồm 7 thành viên. Chủ tịch hội đồng là PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu); TS. Nguyễn Thị Liễu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên thư ký; TS. Đặng Quang Thịnh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Phản biện 1; TS. Lê Ngọc Cầu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Phản biện 2; PGS. TS. Vũ Hoài Thu (Đại học Kinh tế Quốc dân), TS. Đoàn Thị Thanh Hương (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) và TS. Hà Thị Thuận (Công ty Cổ phần Thiết bị Khí tượng Thủy văn và Môi trường Việt Nam) là Ủy viên.

Trước các thành viên Hội đồng, NCS. Phạm Thị Thu Hương đã lần lượt trình bày các nội dung của luận án.

Thiếu khung pháp lý đầy đủ là một trong những rào cản chính đối với đầu tư tư nhân

Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm tăng rủi ro, tăng tính dễ bị tổn thương và ảnh hưởng đến tất cả các ngành kinh tế của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang phải đối mặt với các tác động kinh tế và sức khỏe của đại dịch COVID-19, việc phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho ứng phó với BĐKH gặp rất nhiều khó khăn và dự kiến sẽ không đủ để đáp dứng nhu cầu ngày càng tăng. Do đó, thúc đẩy huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho ứng phó với BĐKH đang là một trong những ưu tiên hàng đầu để nâng cao khả năng thực hiện và đảm bảo hiệu quả của các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu sau năm 2020 của Việt Nam. Các Nghị quyết của Đảng cũng nhấn mạnh chủ trương cần thực hiện đa dạng hoá các nguồn vốn và các giải pháp huy động nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu của hoạt động ứng phó với BĐKH.

 

NCS. Phạm Thị Thu Hương trình bày nội dung luận án

BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng các-bon thấp thông qua các hành động giảm nhẹ KNK, tận dụng được nguồn lực trong nước cũng như quốc tế trong thúc đẩy giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, phát triển tài chính xanh và thị trường các-bon. Thông qua thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH, các doanh nghiệp ở những khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu có thể tăng cường khả năng chống chịu hoặc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ khả năng chống chịu với khí hậu.

Việc thiếu khung pháp lý đầy đủ nhiều lần được xác định là một trong những rào cản chính đối với đầu tư tư nhân ở các nước đang phát triển. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các yếu tố quan tâm của các nhà đầu tư có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, các công cụ chính sách có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến sự lựa chọn tham gia của khu vực tư nhân vào ứng phó với biến đổi khí hậu nếu giải quyết được các yếu tố này.

Đánh giá và xây dựng chính sách huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho ứng phó với biến đổi khí hậu

Luận án đã tập trung nghiên cứu vấn đề liên quan đến các yếu tố tác động đến hiệu quả huy động tài chính từ khu vực tư nhân vào ứng phó với BĐKH từ góc nhìn của khu vực tư nhân để góp phần tăng cường tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân trong ứng phó với BĐKH, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Dựa trên cơ sở khoa học về hành vi doanh nghiệp, luận án đã đưa ra được phương pháp đánh giá và xây dựng chính sách huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu hành vi doanh nghiệp. Theo đó, đánh giá các các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả huy động được thực hiện thông qua các nghiên cứu về chính sách và đánh giá yếu tố quyết định đầu tư vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực tư nhân được thực hiện thông qua khảo sát doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu này của luận án đã góp phần bổ sung, hoàn thiện phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, dựa trên nâng cao mức sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp để tăng cường tính khả thi của các cơ chế chính sách huy động.

Luận án đã chứng minh được có 07 nhân tố được đo lường bởi 33 thang đo tác động đến ý định đầu tư của khu vực tư nhân (YD) đối với dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Mức độ tác động của từng nhân tố đến ý định đầu tư của khu vực tư nhân (YD) đối với dự án ứng phó với biến đổi khí hậu sắp xếp theo mức tác động từ mạnh nhất đến ít nhất như sau: (1) Sự hỗ trợ của khu vực nhà nước; (2) Môi trường đầu tư; (3) Năng lực và kinh nghiệm của khu vực tư nhân; (4) Hỗ trợ của bên cho vay; (5) Đặc điểm dự án; (6) Thái độ của khu vực tư nhân; (7) Người sử dụng dịch vụ.

Đựa trên các yếu tác động này, luận án đã đưa ra 05 nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân ứng phó với BĐKH ở Việt Nam theo thứ tự ưu tiên như sau: Tăng cường cam kết hỗ trợ từ phía nhà nước bao gồm: áp dụng cácchính sách ưu đãi thuế và trợ giá phù hợp cả về mức và khung thời gian áp dụng; áp dụng các chính sách về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; và thúc đẩy hợp tác công tư trong ứng phó với BĐKH;

Củng cố môi trường đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân thông qua xây dựng và vận hành thị trường các-bon;và xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá cho tài chính khí hậu;

Nâng cao năng lực, hiểu biết của khu vực tư nhân và người sử dụng dịch vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua đa dạng hoá ngồn vốn vay; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức, tăng cường năng lực về phòng tránh thiên tai, sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu và giảm nhẹ khí nhà kính; và khuyến khích các tổ chức, cá nhân lựa chọn các sản phẩm có nhãn sinh thái;

Đa dạng hoá và tăng cường nguồn vốn vay thông qua mở rộng hoạt động cấp tín dụng xanh và thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu xanh và các công cụ ưu đãi khác;

Tăng cường thái độ tích cực của doanh nghiệp đối với các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua xây dựng một môi trường đầu tư ổn định, giảm thiểu rủi ro, đem lại lợi ích, thông tin cho khu vực tư nhân hiểu được lợi ích, vai trò của mình và chủ động thực hiện các hành động thích ứng với BĐKH.

 

Toàn cảnh buổi đánh giá luận án

Luận án của NCS. Phạm Thị Thu Hương đã nhận về nhiều câu hỏi, ý kiến đóng góp của các thầy cô trong hội đồng cũng như các chuyên gia tham dự buổi đánh giá. Tuy còn một số điểm cần chỉnh sửa nhưng các thành viên Hội đồng sau phiên họp kín đã thống nhất cho phép nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án để chuẩn bị cho buổi bảo vệ cấp Viện.

Trả lời