Đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Tạ Văn Trung

Sáng ngày 10/12, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án cấp Cơ sở cho nghiên cứu sinh (NCS) Tạ Văn Trung với đề tài: “Phát triển kinh tế theo hướng bền vững vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long”, ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221.

 

PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương chủ trì buổi đánh giá

Do diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, buổi đánh giá luận án cấp Cơ sở cho NCS. Tạ Văn Trung đã được tổ chức bằng hình thức bán trực tuyến với điểm cầu chính tại hội trường 131 dành cho NCS trình bày.

Buổi đánh giá luận án diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) với sự tham dự của đại diện cơ sở đào tạo là PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng) cùng đông đảo các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước các thành viên Hội đồng, NCS. Tạ Văn Trung đã lần lượt trình bày các nội dung của luận án.

 

Thư ký Hội đồng công bố các điều kiện để được đánh giá luận án cấp cơ sở theo quy định

Phát triển kinh tế theo hướng bền vững vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng

Phát triển bền vững (PTBV) về kinh tế là một trong ba trụ cột quan trọng của PTBV. Phát triển kinh tế (PTKT) mạnh và bền vững là yếu tố cơ bản giữ ổn định và bền vững về xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân và đồng thời là nguồn lực để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Sau nhiều năm dưới ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ô nhiễm môi trường (ONMT) gia tăng, suy giảm đa dạng dinh học (ĐDSH) và mất cân bằng sinh thái diễn ra trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm mục tiêu PTKT theo hướng bền vững, hài hòa và thân thiện với tự nhiên.

Từ năm 1997, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của phát triển của đất nước, Việt Nam đã lựa chọn một số tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi trong phát triển, có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh, trở thành đầu tàu tăng trưởng để thành lập nên các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển cho các vùng đó và tiến tới đảm nhận vai trò chi phối tăng trưởng đối với nền kinh tế của cả nước. Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025 của Việt Nam là “Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực của xã hội phát triển các vùng KTTĐ, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn và công trình trọng điểm quốc gia, các dự án lớn mang tính liên kết vùng”, điều này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của các vùng KTTĐ trong phát triển KT-XH ở nước ta hiện nay.

 

NCS. Tạ Văn Trung trình bày các nội dung của luận án

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở vị trí cực Nam của Việt Nam, gồm 12 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương, là vùng đất rộng lớn chiếm khoảng 12% diện tích, 19% dân số, tạo ra 20% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là vùng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH tại Việt Nam. Là “hạt nhân” của vùng ĐBSCL, vùng KTTĐ ĐBSCL được xác định có vai trò là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm năng lượng trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước và là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực và giữ vị quan trọng về quốc phòng an ninh của đất nước. PTBV của vùng KTTĐ ĐBSCL, PTBV về kinh tế nói riêng, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với bản thân vùng mà còn tạo ra cực tăng trưởng, có tác động lan tỏa về kinh tế đến vùng ĐBSCL và các vùng khác trên cả nước, đồng thời tạo ra sự lan tỏa về xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Tuy vậy, làm thế nào để vùng KTTĐ ĐBSCL đạt được sự PTKT bền vững, phát huy được vai trò cực tăng trưởng và tác động lan tỏa, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH đang gia tăng vẫn là câu hỏi đang cần được quan tâm nghiên cứu. Chính vì những lý do trên, đề tài “Phát triển kinh tế theo hướng bền vững vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã được lựa chọn để nghiên cứu.

Đề xuất phương pháp xây dựng hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá PTKT bền vững đối với vùng KTTĐ trong bối cảnh BĐKH

Bằng việc nghiên cứu PTKT theo hướng bền vững của vùng KTTĐ trong bối cảnh BĐKH tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019, trên cơ sở tổng quan các lý thuyết đã có về PTKT, PTKT theo hướng bền vững, vai trò của vùng KTTĐ cũng như BĐKH tác động của BĐKH đến PTKT theo hướng bền vững ở Việt Nam đã xác định rõ nội hàm của PTKT theo hướng bền vững trong bối cảnh BĐKH là sự PTKT vừa bảo đảm các yêu cầu TTKT liên tục trong thời gian dài, chuyển dịch CCKT hợp lý và bình đẳng, công bằng trong việc hưởng lợi từ thành quả PTKT.

Trong đó đối với vùng KTTĐ, PTKT theo hướng bền vững vùng KTTĐ có nghĩa là sự PTKT vừa bảo đảm các yêu TTKT bền vững, chuyển dịch CCKT hợp lý, phát huy được tác động lan tỏa và liên kết kinh tế của vùng KTTĐ với các lãnh thổ liên quan đồng thời đáp ứng các yêu cầu giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH. Cụ thể, PTKT vùng KTTĐ theo hướng bền vững trong bối cảnh BĐKH phải đáp ứng các yêu cầu: (1) Tăng trưởng và chuyển dịch CCKT theo hướng hạn chế được các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra; (2) Tăng trưởng và chuyển dịch CCKT theo hướng tận dụng được các cơ hội do BĐKH mang lại; (3) TTKT và chuyển dịch CCKT gắn với sử dụng hiêu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, giảm phát thải KNK; (4) Gia tăng tác động lan tỏa của vùng KTTĐ (5) Gia tăng liên kết kinh tế của vùng KTTĐ nhằm ứng phó hiệu quả hơn với BĐKH.

Từ đó Luận án đề xuất phương pháp xây dựng hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá PTKT bền vững đối với vùng KTTĐ trong bối cảnh BĐKH. Áp dụng bộ tiêu chí để đánh giá giá PTKT vùng KTTĐ ĐBSCL giai đoạn 2013-2019 vừa qua, Luận án đã chỉ ra được giai đoạn 2013 – 2019 nền kinh tế của vùng phát triển còn chậm; chất lượng tăng trưởng chưa cao; thiếu biền vững. CCKT chưa thật sự theo hướng HĐH-CNH.

 

Toàn cảnh buổi đánh giá

Từ những đánh giá như vậy, dựa trên bối cảnh trong nước và quốc tế, định hướng phát triển KT-XH vùng KTTĐ ĐBSCL, diễn biến, xu hướng BĐKH ở ĐBSCL cũng như các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong PTKT của vùng, Luận án đã đề xuất 04 nhóm giải pháp để PTKT theo hướng bền vững vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2030. Các giải pháp được Luận án đề xuất, gồm: (1) Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (2) Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế (3) Giải pháp tăng cường tác động lan tỏa (4) Nhóm giải pháp gia tăng mức độ liên kết vùng Như vậy có thể thấy về cơ bản, Luận án đã đạt được các mục tiêu nghiên cứu đề ra. góp phần hệ thống hóa, góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận về PTKT theo hướng bền vững đối với một vùng KTTĐ trong bối cảnh BĐKH đồng thời xây dựng thành công bộ tiêu chí đánh giá PTKT theo hướng bền vững vùng KTTĐ trong bối cảnh BĐKH áp dung cho vùng KTTĐ ĐBSCL.

Tuy vậy, do hạn chế số về số liệu, các chỉ tiêu Luận án sử dụng để đánh giá chủ yếu tận dụng các nguồn số liệu thống kê hiện có, hoặc có thể tính toán được thông qua các số liệu có sẵn. Một số chỉ tiêu khác theo khuyến nghị của UNCSD hiện chưa có số liệu được thu thập ở Việt Nam nên chưa được sử dụng trong đánh giá. Ngoài ra bộ tiêu chí do Luận án xây dựng đặc biệt là chủ đề Cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với BĐKH phù hợp với CCKT nông nghiệp, thuỷ sản chiếm đa số ở vùng KTTĐ ĐBSCL, để đánh PTKT theo hướng bền vững vùng KTTĐ khác như vùng KTTĐ Bắc Bộ hay vùng KTTĐ Phía Nam có thể cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung thêm các chỉ tiêu đặc thù, phù hợp hơn đối với vùng KTTĐ đó. Đây là vấn đề Luận án sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ trong thời gian tới.

 

Giảo viên hướng dẫn phát biểu trước Hội đồng

Sau phần trình bày của NCS, các thành viên Hội đồng đã đặt ra nhiều câu hỏi cũng như đưa ra ý kiến đóng góp cho luận án. Kết thúc phiên họp kín, Hội đồng đánh giá luận án đạt và NCS cần tiếp tục chỉnh sửa cho các bước tiếp theo.

Trả lời