Đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Nguyễn Xuân Tiến

Luận án của NCS. Nguyễn Xuân Tiến được các thành viên Hội đồng đánh giá là một công trình khoa học nghiêm túc, có khối lượng lớn và có chất lượng, hàm lượng khoa học cao.

Sáng ngày 22/12/2021 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện cho nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Xuân Tiến với đề tài: “Phân tích, đánh giá vai trò của một số nhân tố chính đối với úng lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Cả”; Ngành: Thủy văn học; Mã số: 9440224.

 

GS. TS. Phạm Thị Hương Lan chủ trì buổi đánh giá

Buổi họp Hội đồng chấm luận án của NCS. Nguyễn Xuân Tiến diễn ra bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, có sự tham dự của đại diện cơ sở đào tạo – PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), GS.TS. Trần Hồng Thái (Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn – giáo viên hướng dẫn) cùng các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó, Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Tiến đã được thành lập theo Quyết định số 351/QĐ-VKTTVBĐKH ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với 7 thành viên. Trong đó, GS. TS. Phạm Thị Hương Lan (Trường Đại học Thủy lợi) là Chủ tịch Hội đồng; TS. Lương Hữu Dũng (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Thư ký; PGS. TS. Hoàng Anh Huy (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) là Phản biện 1; PGS. TS. Trần Ngọc Anh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) Phản biện 2; PGS. TS. Hoàng Thanh Tùng (Trường Đại học Thủy lợi) là Phản biện 3; PGS.TS. Nguyễn Kiên Dũng (Chuyên gia) và TS. Vũ Thị Thu Lan (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là Ủy viên.

 

NCS. Nguyễn Xuân Tiến phát biểu

Tại buổi đánh giá, được sự cho phép của chủ tịch Hội đồng, NCS. Nguyễn Xuân Tiến đã lần lượt trình bày các nội dung trong luận án của mình. Trong đó, kết quả tính toán đã làm rõ được 3 luận điểm đã đặt ra như: Định lượng hóa lượng mưa gây ngập lụt hạ du sông Cả ở các mức lũ cho 3 thời kỳ lũ, trong điều kiện tự nhiên và có sự vận hành của hệ thống hồ chứa; Xác được mức gia tăng ngập lụt hạ du sông Cả ở hiện trạng các mức lũ khi có sự xả lũ riêng rẽ từng hồ chứa hoặc đồng thời. Hồ chứa Bản Mồng và Bản Vẽ có sự ảnh hưởng lớn nhất, hồ chứa Hố Hô và Ngàn Trươi có sự ảnh hưởng ít nhất đến hạ du; Đã xác định được mức gia tăng ngập lụt hạ du sông Cả ở các mức lũ khi có ảnh hưởng của nước biển dâng do bão. Khi lũ trên sông Cả ở mức thấp (lượng gia tăng là 0,9 m khi lũ sông Cả ở mức BĐ1) thì sự gia tăng ngập lụt lớn hơn so với ở mức cao (lượng gia tăng là 0,2 m khi lũ sông Cả ở mức BĐ3); Đã xác định lượng mưa từ 250 mm trong 3 ngày thì khu vực trong đê bắt đầu ngập úng và khi đạt đến trận mưa tháng X/2010 (tần suất xuất hiện P ≈ 1%) thì diện tích ngập úng là 19.000 ha và thời gian ngập là 14 ngày; đã xác định được mức gia tăng ngập úng nội đồng khi có tổ hợp mưa lớn, xả lũ và nước biển dâng do bão.

Tuy nhiên, luận án của NCS chưa xem xét chi tiết sự ngập úng cho vùng đô thị, nơi có hệ thống giao thông, thoát nước, công trình kiến trúc, khu dân cư… phức tạp.

PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Phó Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH) đại diện cơ sở đào tạo phát biểu 
 

Toàn cảnh hội đồng

 
NCS. tặng hoa các thầy cô trong Hội đồng 

Sau phần trình bày của NCS. Nguyễn Xuân Tiến, các thành viên Hội đồng đã lần lượt đưa ra các ý kiến phản biện. Tuy còn một số điểm cần chỉnh sửa nhưng qua phiên họp kín, các thành viên Hội đồng đánh giá NCS. Nguyễn Xuân Tiến đủ tiêu chuẩn đạt trình độ tiến sĩ. NCS cần sửa chữa và hoàn thiện Luận án theo Quyết nghị của Hội đồng trước khi nộp cho Thư viện Quốc gia.

Trả lời