Định vị ảnh hưởng gió bão

Gió bão là một trong những yếu tố ẩn chứa nhiều bất thường, khó dự báo chính xác và thường gây thiệt hại nặng cho nước ta trong mùa mưa bão hằng năm. Nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các phương án ứng phó với bão, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã nghiên cứu đề tài “Cập nhật, ban hành phân vùng bão, trong đó có phân vùng gió cho các vùng ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ”. Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (ảnh) xung quanh vấn đề này.

 

PGS. TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

PV: Báo cáo cập nhật đã bổ sung thông tin gì mới về phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Văn Thắng: Vừa qua, Viện KHKTTV&BĐKH đã hoàn thành báo cáo “Cập nhật, ban hành phân vùng bão, trong đó có phân vùng gió cho các vùng ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ”. Báo cáo được xây dựng trên cơ sở kế thừa phương pháp phân vùng bão của báo cáo đã công bố năm 2014, bổ sung cơ sở dữ liệu và kết quả nghiên cứu khoa học được cập nhật, trong đó có kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu khả năng xuất hiện bão mạnh, siêu bão trên các khu vực khác nhau của Việt Nam và hệ quả mưa, gió mạnh, nước biển dâng phục vụ phương án ứng phó”.

Đặc biệt, báo cáo này đã đưa ra được phân vùng gió mạnh, mưa lớn cho các khu vực ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ. Đây là những thông tin quan trọng, hữu ích để các Bộ, ngành, địa phương tham khảo trong việc xây dựng, chuẩn bị các phương án ứng phó.

PV: Theo kết quả của dự án, những khu vực nào gặp nguy cơ cao khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Văn Thắng: Dựa trên các tiêu chí ba tháng liên tục nhiều bão nhất trong năm, tần số bão trong năm và ảnh hưởng của mưa, gió trong bão, có thể phân vùng thành 5 vùng ven biển và 3 vùng sâu trong đất liền có sự khác nhau về ảnh hưởng của bão.

Cụ thể: Vùng I: Đông Bắc; Vùng II: Tây Bắc; Vùng III: Đồng bằng – trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa; Vùng IV: Nghệ An đến Thừa Thiên Huế; Vùng V: Đà Nẵng đến Bình Định; Vùng VI: Phú Yên đến Ninh Thuận; Vùng VII: Tây Nguyên; Vùng VIII: Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

 

Bản đồ các đặc trưng cơ bản và nguy cơ ảnh hưởng của bão cho các vùng của Việt Nam

Vùng có nguy cơ cao do bão là vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Đây là vùng có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất với tổng số 116 cơn bão (1961 – 2014), trung bình từ 2,0 – 2,5 cơn/năm, ba tháng nhiều bão nhất là các tháng 7 – 8 – 9. Cấp gió bão mạnh nhất đã xảy ra là cấp 14, giật cấp 15 – 16, nước dâng do bão tới 3,5 mét. Nguy cơ trong tương lai, gió bão tại vùng này có thể đạt cấp 15 – 16, giật trên cấp 17, nước dâng do bão có thể lên tới 4,9 mét. Tại các đảo ven bờ như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, gió bão mạnh nhất có thể mạnh hơn trong đất liền từ 1 – 2 cấp. Vùng có nguy cơ cao tiếp theo là vùng ven biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

Vùng Cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ là vùng có nguy cơ bão không cao như các vùng ven biển khác trong cả nước với 23 cơn bão trong giai đoạn 1961 – 2014 ảnh hưởng đến vùng này, ba tháng nhiều bão nhất là các tháng 10, 11, 12; cấp gió bão mạnh nhất đã xảy ra ở cấp 10, giật cấp 12 – 13. Tuy nhiên, do là vùng hiếm khi có bão nên chính quyền và người dân địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống bão như các vùng miền khác. Khu vực này cũng cần cảnh giác khi có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng và đổ bộ.

PV: Qua thực tế cơn bão số 1 khiến thủ đô Hà Nội cũng có gió giật mạnh không kém các tỉnh ven biển, xin ông cho biết, yếu tố nào đã ảnh hưởng đến cường độ gió bão khi vào những vùng nằm sâu trong đất liền?

PGS. TS Nguyễn Văn Thắng:Hoạt động của bão số 1 và số 2 là phù hợp với kết quả phân vùng bão về thời gian xuất hiện cũng như khu vực chịu ảnh hưởng, chủ yếu là các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc, Tây Bắc.

Thành phố Hà Nội tuy nằm sâu trong đất liền, nhưng thuộc vùng có nguy cơ cao nhất cả nước, đồng thời là một đô thị lớn, nhiều nhà cao tầng, công trình xây dựng lớn, nên độ gồ ghề cao, phân bố nhiệt không đều, có thể xuất hiện lốc, xoáy, gió giật lớn tương đương với cấp gió bão ở vùng ven biển.

Thực tế cho thấy, dự báo bão là bài toán phức tạp, các bản tin dự báo luôn gặp phải các sai số về vị trí tâm và cường độ, ngay cả với trung tâm dự báo trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, châu Âu… Thậm chí, việc xác định vị trí và cường độ hiện tại của bão từ ảnh mây vệ tinh cũng đã có sai số đáng kể, sai số vị trí tâm bão trung bình 30-50km (có khi lên đến 100-120km), sai số xác định cường độ bão khoảng 1-2 cấp. Về dự báo, thực tế trong mấy chục năm qua thế giới đã có nhiều tiến bộ trọng dự báo quỹ đạo bão, với sai số dự báo 24h khoảng 100-150km. Tuy nhiên, dự báo cường độ bão hầu như chưa được cải thiện nhiều. Sai số dự báo cường độ gió bão của Mỹ khoảng 5-7 m/s với hạn dự báo 24h; đối với hạn dự báo 48h và 72h có sai số còn lớn hơn nhiều.

 

Bão số 1 khiến nhiều cây xanh đổ ngổn ngang trên vỉa hè

PV: Các Bộ, ngành, địa phương cần chú ý vấn đề gì khi sử dụng kết quả phân vùng bão để xây dựng phương án ứng phó, đặc biệt là trong mùa mưa bão như hiện nay, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Văn Thắng: Việc nghiên cứu, phân vùng bão không phải là kết quả dự báo của một cơn bão. Khi mùa bão đến, việc quan trọng nhất là cần theo dõi sát các bản tin dự báo, cập nhật các thông tin, diễn biến mới nhất về cơn bão để đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời. Trong phòng chống bão, người dân và chính quyền cần chú ý đề phòng các cơn lốc, xoáy, gió giật rất mạnh khi bão đổ bộ do tương tác với địa hình và hoàn lưu địa phương. Những hiện tượng gió mạnh này thường có quy mô nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn nên rất khó theo dõi và dự báo. Bên cạnh đó, các địa phương ở sâu trong đất liền cũng cần đặc biệt chú ý với mưa lớn xuất hiện trong và sau bão và các hệ quả của nó như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phòng chống thiên tai luôn được đề cao. Đặc biệt, công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão và sẵn sàng ứng phó với mức độ cao nhất trong 3 tháng được xác định nhiều bão nhất cho từng vùng theo “phương châm 4 tại chỗ” là điều kiện tiên quyết trong phòng chống thiên tai ở địa phương. Trong điều kiện BĐKH, các hiện tượng thời tiết, khí hậu có xu hướng cực đoan, diễn biến bất thường, thực hiện tốt “phương châm 4 tại chỗ” có thể giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất.

Các địa phương ven biển phải đặc biệt chú ý đến hiện tượng nước dâng do bão, theo kết quả của nhiệm vụ, nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra tại khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh tới 4,5 m, tiếp đến là tại khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là 3,5 m. Trong tương lai, khi có siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến 5,0 m tại khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ kết quả này, các địa phương cần cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập và các phương án ứng phó trong tình huống bão mạnh, siêu bão đổ bộ.

Đối với các Bộ, ngành, từ kết quả của nhiệm vụ, cần có những giải pháp quy hoạch cho phù hợp nhằm ứng phó với nguy cơ bão mạnh, siêu bão. Trong thiết kế các công trình như nhà cao tầng, các cột viễn thông, các công trình cần hệ số an toàn cao, cần phải tính toán đến nguy cơ gió mạnh, gió giật do bão đã từng xảy ra và trong tương lai. Đối với các công trình ven biển quan trọng, ngoài nguy cơ gió mạnh, gió giật, cần quan tâm đến nguy cơ nước dâng do bão và mực nước tổng cộng trong bão khi xây dựng. Trong các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, đề xuất các giải pháp thoát lũ, phòng chống ngập, cần xem xét đến nguy cơ mưa lớn trong bão.

Nguồn: Bộ TNMT

Trả lời