Giáo trình thủy văn đô thị, 2012

MỞ ĐẦU

GIỚI THIỆU VÀ YÊU CẦU CHUNG CỦA MÔN HỌC

Thủy văn đô thị là gì?

Là bộ môn khoa học thuộc ngành thủy văn lục địa nghiên cứu quá trình hình thành và chuyển động của dòng chảy (kể cả lượng và chất) ở một khu vực sử dụng bề mặt đất tự nhiên để xây dựng khu tập trung dân cư, sản xuất công nghiệp, hàng hóa và các dịch vụ công cộng khác.

Tại sao phải nghiên cứu môn học thủy văn đô thị?

– Là bộ môn khoa học của chuyên ngành thủy văn lục địa nghiên cứu chuyên sâu một chế độ khí tượng thủy văn đặc thù dưới tác động tập trung nhất, mạnh mẽ nhất của con người ở một khu vực có phạm vi hẹp.

– Là cơ sở khoa học cho việc đánh giá tác động của đô thị hóa đến chế độ khí tượng thủy văn nói riêng và môi trường sống đô thị nói chung.

– Là cơ sở khoa học cho quy hoạch, thiết kế hệ thống thoát nước, chống ngập úng và chống ô nhiễm nguồn nước với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đối tượng nghiên cứu của môn học:

– Quá trình biến đổi chế độ mưa đô thị

– Quá trình hình thành dòng chảy mặt (chất và lượng) dưới tác động sử dụng đất và các hoạt động kinh tế – xã hội ngày càng tăng của con người.

– Quá trình dòng chảy theo các dạng khác nhau trong hệ thống tiêu thoát nước đô thị.

– Ngập úng ở lưu vực đô thị

– Quy hoạch và thiết kế hệ thống thoát nước đô thị (kể cả chất và lượng)

– Quá trình ô nhiễm môi trường nước.

Phạm vi nghiên cứu:

– Tất cả các khu vực được gọi là đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu đô thị và công nghiệp) và mối liên hệ thủy văn, thủy lực với hệ thống sông bên ngoài.

– Các nhân tố tự nhiên và tác động của con người có tác động ảnh hưởng đến chế độ mưa – dòng chảy trong lưu vực đô thị.

Yêu cầu cơ bản của môn học:

– Có kiến thức cơ bản về khoa học thủy văn lục địa

– Nắm được các phương pháp tính toán quan hệ mưa-dòng chảy ở lưu vực sông ở trạng thái tự nhiên.

– Đã học qua môn học thủy văn đại cương, thủy lực (phương pháp mô phỏng dòng chảy qua hệ thống sông, kênh và các công trình như hồ điều hòa, đập tràn, lỗ).

– Nắm vững các phương pháp tính, kỹ năng phân tích.

– Sử dụng được mô hình toán

Đối tượng sử dụng:

Môn học là yêu cầu bắt buộc cho Học viên Cao học, Nghiên cứu sinh chuyên ngành Thủy văn và Tài nguyên nước. Cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo có ích cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của chuyên ngành thoát nước đô thị.

CÁC TÁC GIẢ

PGS. TS. Lã Thanh Hà (chủ biên)

PGS. TS. Nguyễn Văn Lai

CẤU TRÚC SÁCH: gồm 6 chương

Chương 1. Đô thị hóa và đặc điểm khí tượng thủy văn đô thị

Chương 2. Phân tích tính toán giai đoạn hình thành

Chương 3. Dòng chảy mặt trên lưu vực đô thị

Chương 4. Hệ thống thoát nước đô thị

Chương 5. Chất lượng nước thải đô thị

Chương 6. Mô hình toán thoát nước đô thị

Trả lời