Hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực Thủy văn và Tài nguyên nước

Báo cáo tham luận:

Hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy văn và tài nguyên nước

tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

1. Giới thiệu chung

Vị trí và chức năng

1. Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước là tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu có chức năng nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ về thủy văn và tài nguyên nước; đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Thủy văn học.

2. Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tiền gửi để giao dịch theo quy định của pháp luật; trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng, trình Viện trưởng kế hoạch nghiên cứu, phát triển công nghệ dài hạn, 5 năm, hàng năm về thủy văn và tài nguyên nước của Trung tâm; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật về thủy văn và tài nguyên nước.

3. Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển công nghệ phục vụ quy hoạch phát triển, mạng lưới quan trắc thủy văn và tài nguyên nước.

4. Nghiên cứu khoa học về thủy văn và tài nguyên nước:

a) Quy luật cơ bản về thủy văn, tài nguyên nước các lưu vực sông; chế độ thủy văn, thủy lực hệ thống sông, thủy văn hồ chứa, đầm phá, đảo nhỏ, xâm nhập mặn, dòng chảy tối thiểu và biến đổi lòng dẫn;

b) Tính toán thủy văn phục vụ quy hoạch, thiết kế, vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, đô thị, xây dựng dân dụng và các công trình khác liên quan đến nước;

c) Công nghệ cảnh báo, dự báo thủy văn, tài nguyên nước và các hiện tượng thiên tai có liên quan đến nước cho các lưu vực sông;

d) Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thủy văn, tài nguyên nước và đề xuất giải pháp thích ứng; các vấn đề về kinh tế – xã hội trong tài nguyên nước.

5. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ về thủy văn và tài nguyên nước.

6. Thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về thủy văn và tài nguyên nước; tham gia các hoạt động trong Chương trình thủy văn quốc tế (IHP-UNESCO) theo phân công của Viện trưởng.

7. Tham gia đào tạo trình độ tiến sỹ, chuyên môn, nghiệp vụ về khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu theo phân công của Viện trưởng.

8. Tham gia thẩm định các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu theo phân công của Viện trưởng.

9. Tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin khoa học, công nghệ về lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật.

10. Cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo, thông báo về thủy văn và tài nguyên nước theo phân công của Viện trưởng.

11. Phát triển và ứng dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

12. Thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn về khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật.

13. Tổ chức thực hiện cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Viện.

14. Quản lý tổ chức, vị trí việc làm, viên chức, người lao động; tài chính, tài sản thuộc phạm vi quản lý của Viện theo quy định của pháp luật và theo phân công của Viện trưởng.

15. Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện trưởng phân công.

Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Trung tâm:

a) Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;

b) Giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng về các nhiệm vụ được phân công và toàn bộ hoạt động của Trung tâm; quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Trung tâm; xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động, các quy chế của Trung tâm theo quy định;

c) Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về các lĩnh vực công tác được phân công.

Các đơn vị trực thuộc Trung tâm:

a) Phòng Nghiên cứu Thủy văn;

b) Phòng Nghiên cứu Tài nguyên nước;

c) Phòng Dự báo Thủy văn và Tài nguyên nước.

2. Một số thành tựu nổi bật trong thời gian gần đây

2.1. Trong nghiên cứu khoa học

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng quy trình, quy phạm, điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực địa v.v.

Các đề tài nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước đã đề cập đến hầu hết các vấn đề cơ bản cần nghiên cứu trong lĩnh vực thuỷ văn và tài nguyên nước như các vấn mưa lũ, nguy cơ ngập lụt, khả năng hạn và tình hình cạn kiệt của sông ngòi Việt Nam, ảnh hưởng của công trình đến điều kiện tự nhiên, dòng chảy và cát bùn trong sông… Các đề tài này đều đạt kết quả xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và phục vụ thực tế yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Trong vài năm gần đây Trung tâm đã tập trung vào một số vấn đề về phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu như sau:

– Nghiên cứu các quy luật cơ bản về thủy văn, tài nguyên nước các lưu vực sông.

– Công nghệ cảnh báo, dự báo thủy văn, tài nguyên nước và các hiện tượng thiên tai có liên quan đến nước cho các lưu vực sông;

– Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thủy văn, tài nguyên nước và đề xuất giải pháp thích ứng.

– Tư vấn, lập bản đồ phục vụ quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến lũ lụt, lũ quét…

Cụ thể, một số đề tài, dự án khoa học và công nghệ tiêu biểu đã được thiện hiện trong những năm gần đây:

1. “Nghiên cứu tác động của việc sử dụng nước phía thượng lưu đến TNN lưu vực sông Hồng”, Đề tài Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010-2012).

2. “Phân tích đánh giá tác động của hiện tượng El Nino đến thiếu hụt lượng mưa gây cạn kiệt mực nước, lưu lượng và đề xuất cơ chế tích nước sớm của các hồ chứa nhằm bổ sung nguồn nước trong trường hợp thiếu nước cho khu vực hạ lưu sông Hồng”, Đề tài Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010-2013)

3. “Nghiên cứu diễn biến, xác định các nguyên nhân thay đổi tỷ lệ phân phối dòng chảy sông Hồng sang sông Đuống và đề xuất định hướng các giải pháp nhằm đảm bảo tỷ lệ phân phối dòng chảy hợp lý”, Đề tài Bộ Tài nguyên và Môi trường (2011-2013)

4. “Điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét khu vực miền Trung, Tây Nguyên, và xây dựng hệ thống thí điểm phục vụ cảnh báo cho các địa phương có nguy cơ cao xảy ra lũ quét phục vụ công tác quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu”, Dự án Bộ Tài nguyên và Môi trường (2013-2016)

5. “Lập quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn cho sông Hồng”, Dự án Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012-2014)

6. “Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long”, Đề tài cấp Nhà nước (2011-2014)

7. “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất điều chỉnh cơ cấu sử dụng nước theo quan điểm nước ảo đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu”, Đề tài Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012-2015)

8. “Nghiên cứu lựa chọn bộ chỉ số bền vững của lưu vực sông trong điều kiện của Việt Nam”, Đề tài Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014-2016)

9. “Nghiên cứu vai trò của lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai trong sự hình thành tài nguyên nước dưới đất vùng hạ lưu và đề xuất định hướng giải pháp khai thác sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất”, Đề tài Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014-2016)

10. “Điều chỉnh, bổ sung mực nước tương ứng các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước”, Dự án Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014-2016)

11. “Nghiên cứu xây dựng công nghệ dự báo tài nguyên nước mặt phục vụ lập kế hoạch sử dụng nước cho lưu vực sông Ba và sông Kone ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”, Đề tài Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015-2017)

12. “Xác định hành lang thoát lũ hạ lưu hệ thống sông lớn các tỉnh Miền Trung, phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội và công tác chỉ đạo ứng phó, phòng chống thiên tai”, Dự án Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015-2017)

13. “Tăng cường nhiệm vụ quản lý rủi ro thiên tai (lũ lụt, lũ quét) và bảo vệ môi trường các lưu vực sông biên giới thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng”, Dự án Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015-2017)

14. “Tư vấn lập bản đồ tình trạng dễ bị tổn thương của CSHT nông thôn với BĐKH (lũ quét)”, Gói thầu thuộc Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cho cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc” do Bộ NNPTNT và UNDP làm chủ đầu tư (2016)

Ngoài ra, trong 5 năm gần đây Trung tâm đã tích cực, chủ động tìm kiếm và phối hợp với các đơn vị ngoài Trung tâm, như: Cục Quản lý Tài nguyên nước, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy Lợi, Đại học Thủy lợi, Đại học Tài Nguyên và Môi trường, Ủy ban Sông Mê Công… để thực hiện, triển khai các nhiệm vụ KHCN liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu đánh giá về thủy văn và tài nguyên nước; đánh giá tác động của BĐKH, thiên tai đến tài nguyên nước.

2.2. Thành tựu về hoạt động nghiệp vụ

2.2.1. Đánh giá diễn biến của chế độ Thủy văn và Tài nguyên nước

– Đánh giá diễn biến và tác động của Thủy văn và tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình:

+ Nghiên cứu đặc điểm, diễn biến thủy văn, tài nguyên nước, chế độ thủy văn, thủy lực lưu vực sông Hồng – Thái Bình

+ Nghiên cứu đặc điểm, diễn biến của xâm nhập mặn, dòng chảy cạn trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình

+ Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp mô hình toán, Công nghệ cảnh báo, dự báo thủy văn, tài nguyên nước và các hiện tượng thiên tai có liên quan đến nước cho các lưu vực sông

– Nghiên cứu tình hình thuỷ văn tài nguyên nước các hệ thống sông khu vực Nam Bộ:

+ Nghiên cứu phân mùa dòng chảy cho các hệ thống sông khu vực Nam Bộ.

+ Tính toán, phân tích quy luật diễn biến chế độ thủy văn các hệ thống sông khu vực Nam Bộ.

+ Phân tích tình hình xâm nhập mặn các sông khu vực Nam Bộ.

2.2.2. Xây dựng và cung cấp các bản tin Dự báo và thông báo thủy văn, TNN, lũ và lũ quét

– Phục vụ công tác nghiên cứu, nâng cao hiểu biết về thủy văn và tài nguyên nước.

– Phục vụ công tác dự lũ trên sông Hồng- Thái Bình.

– Phục vụ công tác cảnh báo lũ quét ở các tỉnh.miền núi phía bắc và các tỉnh miền trung và Tây Nguyên.

– Phục vụ công tác dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn trên lv sông Hồng – Thái Bình.

Các bản tin dự báo, cảnh báo:

– Bản tin dự báo thủy văn hàng ngày trong mùa lũ trên hệ thống sông Hồng Thái Bình

– Bản tin cảnh báo lũ quét trong mùa mưa, lũ cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

– Thông báo và cảnh báo tình hình cạn kiệt trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình trong mùa cạn.

– Thông báo và cảnh báo tình hình xâm nhập mặn trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình trong mùa cạn.

3. Hoạt động khoa học công nghệ trong những năm tiếp theo

3.1. Công tác Khoa học công nghệ

Kế hoạch khoa học công nghệ của Trung tâm xây dựng trên cơ sở những định hướng KHCN của Viện và của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm:

Tập trung đề xuất các đề tài, chương trình, dự án nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, trong lĩnh vực thủy văn tài nguyên nước theo chức năng nhiệm vụ của Trung tâm, (dự kiến đề xuất 05 nhiệm vụ KHCN cấp bộ, 02 nhiệm vụ cấp Nhà nước và 06 đề tài cấp cơ sở được triển khai).

Tập trung đề xuất các đề tài, chương trình, dự án nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, trong lĩnh hiện đại hóa ngành KTTV và lĩnh vực biến đổi khí hậu bằng các nguồn vốn trong nước và xin tài trợ nước ngoài (dự kiến 02 Dự án cấp bộ và 01 Dự án HTQT).

Tăng cường các dịch vụ khoa học công nghệ, và triển khai thực hiện các hợp đồng dịch vụ KHCN với các đơn vị trong và ngoài Viện, nhất là hợp tác với các Viện nghiên cứu, các Sở KH&CN các địa phương (Dự kiến mỗi năm có 01 đề tài Nghiên cứu cấp tỉnh);

Tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ được Bộ giao.

3.2. Công tác nghiệp vụ

Từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức của bản tin dự báo lũ và thông báo tài nguyên nước nhằm phục vụ tốt cho các nhu cầu đặt ra.

KHĐTHTQT 

Trả lời