Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Tạ Văn Trung

Chiều ngày 29/11, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện cho nghiên cứu sinh (NCS) Tạ Văn Trung với đề tài: “Phát triển kinh tế bền vững vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221.

GS. TS. Trần Thọ Đạt chủ trì buổi đánh giá

Tham dự buổi đánh giá cấp Viện của NCS. Tạ Văn Trung có đại diện cơ sở đào tạo là PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), cùng đại diện các cơ quan phối hợp đào tạo với Viện và các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tại buổi đánh giá, TS. Trần Thanh Thủy (Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế) đã tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và công bố Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp Viện cho NCS. Tạ Văn Trung.

TS. Đặng Quang Thịnh, Thư ký Hội đồng đọc lý lịch đào tạo của NCS

Theo đó, Hội đồng đánh luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Tạ Văn Trung đã được thành lập theo Quyết định số 243/QĐ-VKTTVBĐKH, ngày 10 tháng 10 năm 2022 của Viện Trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với 7 thành viên gồm: GS. TS. Trần Thọ Đạt (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) là Chủ tịch Hội đồng; TS. Đặng Quang Thịnh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) là Ủy viên Thư ký; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Sơn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) là Ủy viên phản biện 1; GS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) là Ủy viên phản biện 2; PGS. TS. Phạm Thị Thu Hà (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) là Ủy viên phản biện 3; PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) và TS. Võ Văn Hòa (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) là Ủy viên.

Dưới sự chủ trì của GS. TS. Trần Thọ Đạt, các thành viên trong Hội đồng đã nghe NCS. Tạ Văn Trung trình bày tóm tắt các nội dung của luận án.

NCS. Tạ Văn Trung trình bày trước Hội đồng

Trong đó, luận án được xác định mục tiêu làm rõ cơ sở lý luận, xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu, đề xuất hệ thống các tiêu chí/ chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế (PTKT) bền vững vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH). Đánh giá thực trạng mức độ PTKT bền vững của vùng KTTĐ ĐBSCL giai đoạn vừa qua, làm rõ các kết quả đạt được, hạn chế và những nguyên nhân của các hạn chế đó. Đề xuất định hướng và các giải pháp nhằm PTKT bền vững đối với vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2030 trong bối cảnh BĐKH.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, NCS. Tạ Văn Trung lựa chọn đối tượng nghiên cứu là vấn đề PTKT bền vững của vùng KTTĐ ĐBSCL giai đoạn 2013-2019 và đề xuất định hướng, các giải pháp cho PTKT bền vững vùng KTTĐ ĐBSCL tới năm 2030.

Qua quá trình nghiên cứu, thu thập, tổng hợp và phân tích số liệu, NCS. Tạ Văn Trung đã đưa ra được những kết luận quan trọng. Theo đó, PTKT bền vững vùng KTTĐ phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể: Tăng trưởng và chuyển dịch CCKT theo hướng hạn chế được các tác động tiêu cực do BĐKH gây ra; Tăng trưởng và chuyển dịch CCKT theo hướng tận dụng được  các cơ hội do BĐKH mang lại; TTKT và chuyển dịch CCKT gắn với sử dụng hiệu quả TNTN và năng lượng, giảm phát thải KNK; Gia tăng tác động lan tỏa của vùng KTTĐ và  Gia tăng LKKT của vùng KTTĐ nhằm ứng phó hiệu quả hơn với BĐKH.

Toàn cảnh buổi đánh giá

Trên cơ sở tổng hợp và lựa chọn từ các bộ chỉ tiêu đánh giá PTBV, kết hợp tham vấn các chuyên gia, Luận án đã đề xuất 17 chỉ tiêu phù hợp để đánh giá PTKT bền vững đối với vùng KTTĐ trong bối cảnh BĐKH. Các chỉ tiêu thể hiện theo 3 nhóm chủ đề chính: PTBV nội tại của vùng thích ứng với BĐKH; Tác động lan tỏa; và Liên kết kinh tế, gồm 6 nhóm chủ đề phụ. Trên cơ sở đó, xác định phương pháp tính toán các chỉ số chuẩn hóa min – max của 17 chỉ tiêu theo nhóm chủ đề và chỉ số tổng hợp đánh giá PTBV về kinh tế.

Áp dụng bộ chỉ tiêu và phương pháp tính chỉ số đánh giá PTBV được đề xuất, Luận án đã đánh giá và chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong PTKT của vùng KTTĐ ĐBSCL giai đoạn 2013 – 2019: mặc dù phát triển đúng hướng, PTKT của vùng chưa cân đối, đa số các khía cạnh phát triển còn ở mức thấp, không hài hòa giữa các địa phương, chưa thật sự bền vững, chưa phát huy được vai trò vị thế trọng điểm, đầu tàu PTKT.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do vùng KTTĐ vùng ĐBSCL chưa có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thiếu các đầu mối quan trọng kết nối trong vùng và quốc tế; cơ chế chính sách phát triển chưa đầy đủ, chưa phát huy được hiệu lực nên chưa tạo được môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn các nhà đầu tư; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và lực lượng lao động được đào tạo chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu PTKT.

Từ những đánh giá như vậy, căn cứ trên bối cảnh trong nước và quốc tế, định hướng phát triển KT-XH vùng KTTĐ ĐBSCL, diễn biến, xu hướng BĐKH ở ĐBSCL kết hợp nhận diện các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong PTKT của vùng, Luận án đã đề xuất 03 nhóm giải pháp để PTKT bền vững vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2030. Các giải pháp được Luận án đề xuất, gồm: Giải pháp PTKT bền vững nội tại ứng phó với BĐKH; Giải pháp tăng cường tác động lan tỏa và Giải pháp gia tăng mức độ LKKT vùng.

Sau phần trình bày của NCS. Tạ Văn Trung, các thầy cô trong Hội đồng đã lần lượt đọc ý kiến phản biện. Kết thúc phiên họp kín, các thành viên Hội đồng đánh giá NCS. Tạ Văn Trung đủ tiêu chuẩn đạt trình độ tiến sĩ với 3/7/7 phiếu tán thành xuất sắc. Tuy nhiên, NCS. cần sửa chữa và hoàn thiện Luận án theo Quyết nghị của Hội đồng trước khi nộp cho Thư viện Quốc gia.

Một số hình ảnh của buổi chấm luận án tiến sĩ của NCS. Tạ Văn Trung:

Trưởng phòng Khoa học Đào tạo và Hợp tác quốc tế đọc quyết định

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, đại diện cơ sở đào tạo phát biểu và tặng hoa NCS, thầy hướng dẫn

Giáo viên hướng dẫn nhận xét về NCS

 Các thầy trong Hội đồng chụp ảnh cùng NCS

NCS phát biểu và tặng hoa lãnh đạo cơ quan công tác, giáo viên hướng dẫn.

Để lại một bình luận