Hội thảo khoa học đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng mô hình phân giải mây (Cloud resolving model) tích hợp với mô hình khu vực dự báo định lượng mưa lớn thời đoạn 6h với hạn dự báo 24-48h cho khu vực trung trung bộ” do ThS. Trương Bá Kiên là chủ nhiệm đã được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức sáng ngày 28/12.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội thảo
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại hội thảo, ThS. Trương Bá Kiên đã đại diện nhóm thực hiện trình bày tổng quan về đề tài. Theo đó, đề tài xác định mục tiêu đánh giá được khả năng ứng dụng mô hình phân giải mây (Cloud resolving model) tích hợp với mô hình khu vực có đồng hóa số liệu phân giải cao dự báo định lượng mưa lớn do các hình thế đối lưu sâu gây nên trên khu vực Trung Trung Bộ. Đề xuất được hệ thống dự báo mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ dựa trên mô hình số trị khu vực phân giải mây kết hợp với đồng hóa số liệu phân giải cao.
ThS. Trương Bá Kiên trình bày về nội dung nghiên cứu
Để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, nhóm nghiên cứu triển khai thành các nội dung thực hiện như: Thu thập, chuẩn hóa các loại số liệu, dữ liệu, tổng quan các tài liệu, phương pháp phục vụ các nội dung nghiên cứu của đề tài; Nghiên cứu ứng dụng mô hình phân giải mây CRESS dự báo mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ hạn 24-48h; Nghiên cứu ứng dụng mô hình số trị WRFDA độ phân giải cao (2-3km) dự báo mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ hạn 24-48h; Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo mưa lớn hạn 24-48h cho khu vực Trung Trung Bộ dựa trên mô hình phân giải mây (Cloud resolving model) kết hợp với mô hình khu vực có đồng hóa số liệu phân giải cao; Nghiên cứu đánh giá kết quả dự báo mưa lớn hạn 24-48h cho khu vực Trung Trung Bộ trong năm 2024; Xây dựng quy trình nghiệp vụ dự báo mưa lớn hạn 24-48h cho khu vực Trung Trung Bộ dựa trên mô hình phân giải mây (Cloud resolving model) kết hợp với mô hình khu vực có đồng hóa số liệu phân giải cao; Xây dựng báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đề tài.
Trong báo cáo giới thiệu mô hình Cress và kết quả ban đầu cho Trung Trung Bộ, nhóm thực hiện đã giới thiệu về mô hình CReSS (Cloud Resolving Storm Simulator), thiết kế và chạy thử nghiệm thành công mô hình CReSS với phân giải cao 3km cho khu vực Trung Trung Bộ. Kết quả mô phỏng đợt mưa ngày 07/08 tháng 09-2021 cho thấy, mô hình đã mô phỏng tốt các trường hoàn lưu bề mặt và trên cao so với ERA5 0.25deg. Dự báo mưa đã nắm bắt được về diện và lượng so với GPM 0.1deg, mô hình có xu hướng thiên cao hơn GPM ở tâm mưa vùng Bắc Trung Bộ. Dự báo mưa tại một số trạm cũng cho khá tốt so với quan trắc tại trạm, thậm chí dự báo tốt hơn cả GPM, nhưng một số trạm vẫn cho dự báo cao hơn quan trắc và GPM.
Các chuyên gia tham dự hội thảo
Cũng tại hội thảo, ThS. Trần Duy Thức đã trình bày báo cáo “Giới thiệu hệ thống đồng hoá độ phân giải cao cho khu vực Trung Trung Bộ”. Báo cáo đã tổng quan về đồng hóa số liệu radar, giới thiệu phương pháp đồng hóa số liệu Radar trong WRF-3DVAR, cách xử lý số liệu và hệ thống đồng hóa dữ liệu.
Sau phần trình bày của nhóm thực hiện đề tài, các chuyên gia tham dự hội thảo đã lần lượt đưa ra những góp ý về nội dung, phương pháp thực hiện để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện đề tài.