Hội thảo khoa học thường niên về KTTV, môi trường và BĐKH 2016

Hôm nay, ngày 25 tháng 11 năm 2016, tại Phân Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo khoa học thường niên về Khí tượng thủy văn, môi trường và Biến đổi khí hậu.

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng – Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH cho biết: Được sự chỉ đạo, quan tâm và tạo điều kiện của Bộ TN&MT, Viện đã duy trì tổ chức Hội thảo khao học thường niên nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong suốt chặng đường gần 40 năm qua. Trong bối cảnh BĐKH, các yếu tố nhân sinh cũng ảnh hưởng đến khí hậu. Quan điểm khoa học về biến đổi khí hậu được nhiều người đồng ý là “khí hậu đang thay đổi và những thay đổi này một phần lớn do tác động của con người”. Do đó, một trong những trọng tâm mà Hội thảo khoa học năm 2016 hướng tới là làm thế nào để cùng phải giải quyết thành công những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển bền vững quốc gia trước sự gia tăng của thiên tai và các nguy cơ tiềm ẩn của BĐKH toàn cầu từ cấp địa phương đến cấp Trung ương.

Tại Hội thảo, đại diện Viện Khoa học KTTV và BĐKH, Phân viện Khoa học KTTV và BĐKH, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đã trình bày các kết quả về Cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam; Nghiên cứu biến động hình thái cửa sông Cổ Chiên dưới tác động thủy động lực học; Khả năng sử dụng dự báo nhiệt độ và lượng mưa tháng và mùa cho khu vực Việt Nam dựa vào sản phẩm của hệ thống dự báo khí hậu (CFS) của Hoa Kỳ; Mô phỏng đợt mưa lớn từ 9-13/08/2013 ở Nam Bộ và Nam Tây Nguyên bằng mô hình WRF; Xác định các vấn đề về quản lý nguồn nước xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia tại Đồng bằng Mê Công; Thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Sự gắn kết và thách thức; Tính toán khả năng ô nhiễm khu vực sông Thị Vải, huyện Tân Thành, Bà Rịa–Vũng Tàu; Đánh giá diễn biến chất lượng môi trường TP.HCM trong những năm gần đây.

 

Toàn thể các đại biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, TS. Mai Văn Khiêm – Phó Viện trưởng kiêm Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học KTTV và BĐKH cho hay: Xây dựng các giải pháp thích ứng với BĐKH, không thể không dựa vào những thông tin từ kịch bản BĐKH, nước biển dâng. Là đơn vị đồng tham gia thực hiện dự án VIETADAPT II, Phân viện Khoa học KTTV và BĐKH – một bộ phận không tách dời của Viện Khoa học KTTV và BĐKH – Cơ quan được Bộ TN&MT giao xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng năm 2009, 2012 và hiện nay đã trình Bộ TN&MT phiên bản cập nhật năm 2016 sắp được ban hành với những điểm mới quan trọng so với phiên bản năm 2012 như: Cập nhật số liệu KTTV, Hải văn đến năm 2014, số liệu địa hình của bản đồ tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 được đo đạc bởi các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH…

Một trong những điểm mới đáng chú ý là trong cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng lần này dựa trên cách tiếp cận mới về kịch bản phát thải là kịch bản phát thải chuẩn (Benchmark emissions scenarios), hay đường nồng độ khí nhà kính đại diện (Representative Concentration Pathways – RCP) và thời kỳ cơ sở được lựa chọn để so sánh là 1986 – 2005, thay cho thời kỳ 1980 – 1999 như lần công bố trước đây…

Nguồn: Phân viện Khoa học KTTV&BĐKH

Để lại một bình luận