Hội thảo “Mô hình kinh tế xanh (GEM) và khả năng ứng dụng ở Việt Nam” thuộc dự án “Hành động Khí hậu Quốc gia Việt Nam”

Ngày 18/10/2024, tại khách sạn Novotel Suites Hà Nội, số 5 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức hội thảo “Mô hình kinh tế xanh (GEM) và khả năng ứng dụng ở Việt Nam ” được tài trợ bởi Viện Tài nguyên Thế giới (WRI). Tham dự Hội thảo có đại biểu từ Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đại diện từ các Bộ/ngành và các chuyên gia/nhà khoa học, các Tổ chức, Viện nghiên cứu, các trường Đại học/học viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu khai mạc:

Trong phát biểu khai mạc, TS.Lê Ngọc Cầu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đã nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng của nhân loại, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh của mỗi quốc gia, đòi hỏi phải chủ động ứng phó với những tác động bất lợi, nắm bắt cơ hội và tận dụng các cơ hội do ứng phó với BĐKH mang lại để phát triển bền vững. Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và phát triển nền kinh tế các-bon thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0 đã trở thành con đường phát triển chính của toàn thế giới. Hiện nay, Việt Nam là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành NDC vào năm 2020, giúp tăng đáng kể đóng góp của Việt Nam vào việc giảm phát thải KNK, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đến năm 2030

Ông Cầu cũng ghi nhận việc thực hiện các hành động giảm phát thải KNK trong NDC được dự báo sẽ mang lại các đồng lợi ích đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, những hành động đó cần được đánh giá chi tiết và toàn diện, nhằm lựa chọn xác định, lựa chọn các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt nam, đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Một trong những mô hình đánh giá là mô hình Kinh tế xanh (Green Economy Model – GEM).

TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu khai mạc hội thảo

Giới thiệu về GEM

TS. Đào Minh Trang, Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, đã có bài phát biểu sâu sắc về mô hình GEM như: quy trình xây dựng mô hình, mục đích, dữ liệu đầu vào. Mô hình được được hình thành bằng Tư duy Hệ thống (ST), được xây dựng bằng Động lực Hệ thống (SD) tích hợp các động lực thay đổi xã hội, kinh tế và môi trường đã tiến hành áp dụng cho hơn 40 quốc gia. Mô hình GEM được thiết kế để mô phỏng và phân tích các tương tác giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để khám phá cấu trúc của hệ thống đang nghiên cứu, bao gồm cả các mối quan hệ giữa các thành phần bên trong cũng như các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hệ thống. Mục tiêu chính của mô hình GEM là hỗ trợ việc hoạch định chính sách nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tức là một nền kinh tế phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên một cách hiệu quả. GEM cho phép mô phỏng các kịch bản phát triển khác nhau để tìm ra các giải pháp khả thi và liên ngành nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu quốc gia trung hạn và dài hạn. Người dùng có thể xem xét kết quả giữa các ngành, tác nhân, khía cạnh phát triển và theo thời gian, đồng thời quyết định đưa ra các chính sách và đầu tư mới để tạo ra chính sách mạnh mẽ hơn. Phiên bản mô hình GEM được áp dụng là phiên bản tháng 7 năm 2020 có 45 mô-đun được nhóm thành 14 lĩnh vực : (1) dân số, (2) thu nhập và lợi nhuận cá nhân, (3) việc làm, (4) độ che phủ đất, (5) nông nghiệp, (6) công nghiệp, (7) dịch vụ, (8) kinh tế vĩ mô (GDP), (9) chất thải và nước thải, (10) sản xuất năng lượng và điện, (11) ô nhiễm không khí, (12) trữ lượng carbon, (13) chăn nuôi và (14) khí thải.

TS. Đào Minh Trang đã chia sẻ thông tin chung về mô hình GEM

Mức độ đáp ứng số liệu đầu vào cho mô hình GEM tại Việt Nam: lĩnh vực năng lượng

Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhu cầu năng lượng sử dụng tăng lên 95.762 KTOE, tăng 1,5% so với năm 2019 trong khi tổng lượng năng lượng khai thác trong nước là 52.837 KTOE, nhập khẩu năng lượng 48%. Ngành công nghiệp có tỷ trọng sử dụng năng lượng tăng từ 47,5% năm 2019 lên 53,1% năm 2020, mặc dù các ngành còn lại giảm.

Mô hình GEM yêu cầu số liệu đầu vào năng lượng năm 2000 – 2023: nhu cầu năng lượng, tiêu thụ năng lượng, công suất đặt các nhà máy điện, sản xuất điện, nhiêu liệu tiêu thụ cho sản xuất điện, tổng lượng điện sản xuất nội địa, tỷ lệ các loại nguồn điện, hệ số tải. Dự án đã tham vấn số liệu tại Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Viện Năng lượng, Tổng cục Thống kê và lấy được chuỗi số liệu giai đoạn 2010 – 2020.  Số liệu thu thập được đã đáp ứng 50% yêu cầu của dự án.

ThS. Bế Ngọc Diệp đã có phát biểu về mức độ đáp ứng số liệu đầu vào cho mô hình lĩnh vực năng lượng

Mức độ đáp ứng số liệu đầu vào cho mô hình GEM tại Việt Nam: lĩnh vực chất thải

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành một số các chính sách như Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Số liệu đầu vào chất thải gồm chất thải rắn (sinh hoạt, công nghiệp thông thường, nông nghiệp, nguy hại, y tế thông thường), nước thải (sinh hoạt, công nghiệp, y tế, nước thải làng nghề, hoạt động nông nghiệp). Chuỗi số liệu đầu vào giai đoạn 2000- 2023 bao gồm: Khối lượng chất thải rắn phát sinh của cả nước; tỷ lệ thu gom chất thải, tỷ lệ xử lý chất thải, khối lượng phát sinh và tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, Khối lượng phát sinh và tỷ lệ KCN/CCN có công trình xử lý nước thải tập trung, Khối lượng phát sinh và tỷ lệ nước thải làng nghề được xử lý, Khối lượng phát sinh và tỷ lệ các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp được xử lý.

ThS. Nguyễn Hoài Thu đã trình bày về về mức độ đáp ứng số liệu đầu vào cho mô hình lĩnh vực chất thải

TS. Ngô Đăng Trí cũng trình bày các kết quả của mức độ đáp ứng số liệu đầu vào cho mô hình GEM tại Việt Nam: lĩnh vực các quá trình công nghiệp.

Và cuối cùng, TS.Đặng Quang Thịnh có bài trình bày về kết quả sơ bộ của mô hình GEM: cập nhật kịch bản phát triển thông thường của Việt Nam.

Hội thảo “Mô hình kinh tế xanh và khả năng ứng dụng ở Việt Nam” là một bước tiến quan trọng với mục tiêu chia sẻ thông tin về mô hình kinh tế xanh và mức độ đáp ứng số liệu của mô hình GEM trong việc đánh giá tác động của các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của ba lĩnh vực: Năng lượng, Các quá trình Công nghiệp, Chất thải tại bối cảnh Việt Nam.

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia khác nhau cùng thảo luận về việc triển khai mô hình GEM trong bối cảnh Việt Nam. Các cuộc thảo luận cho thấy rằng mặc dù mô hình này cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn trong việc đánh giá các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và tác động kinh tế xã hội nhưng vẫn tồn tại những thách thức đáng kể trong việc thu thập và xác minh dữ liệu. Hiện tại, tính sẵn có của dữ liệu đáp ứng khoảng 50% yêu cầu của mô hình. Một số nguồn dữ liệu đã được xác định, bao gồm Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia về dữ liệu năng lượng và các yêu cầu pháp lý sắp tới như Thông tư 38 của Bộ Công Thương về dữ liệu công nghiệp đến năm 2025.

Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết của dữ liệu chuỗi thời gian toàn diện, khung phân tích kịch bản rõ ràng và hợp tác liên Bộ mạnh mẽ hơn để triển khai thành công mô hình GEM trong hành trình của Việt Nam hướng tới đạt được các mục tiêu NDC và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hội thảo đã thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp từ các cán bộ, chuyên gia từ các Bộ/ngành và các cơ quan nghiên cứu.