Hội thảo “Phương pháp phân loại vi nhựa trong nước, trầm tích và sinh vật của các nhóm chuyên môn”

Sáng ngày 23/4, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức hội thảo “Phương pháp phân loại vi nhựa trong nước, trầm tích và sinh vật của các nhóm chuyên môn” thuộc đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá sự tích tụ và tác động của vi nhựa (Microplastic) đến hệ sinh thái cửa sông ven biển Nam Trung Bộ”, mã số ĐTĐL.CN-53/22.

TS. Lê Ngọc Cầu chủ trì buổi hội thảo

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) với sự tham dự của các chuyên gia về môi trường và thành viên trong nhóm thực hiện đề tài.

Tại hội thảo, chủ nhiệm nhiệm vụ – thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hoài đã giới thiệu khái quát về đề tài, các phương pháp lấy mẫu vi nhựa. TS. Trần Thị Thu Hương trình bày về nghiên cứu và đánh giá ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật bằng phương pháp phổ hồng ngoại FTIR. PGS.TS. Nguyễn Lai Thành đã tổng quan về các phương pháp đánh giá độc tính trên sinh vật. Báo cáo nghiên cứu và đánh giá ô nhiễm vi nhựa trong trầm tích do TS. Đặng Thị Thơm trình bày.

Các báo cáo viên trình bày tại hội thảo

Sau phần trình bày của nhóm thực hiện đề tài, các chuyên gia tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý về phương pháp, quy trình lấy mẫu; nguyên nhân lựa chọn 2 loại nhựa PP và PE trong nghiên cứu; nguồn gốc vật liệu thử nghiệm…

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu cho rằng, nhóm thực hiện cần nêu ra được bức tranh tổng thể của đề tài, giải trình các số liệu, khẳng định phương pháp chuẩn áp dụng cho đề tài, lượng mẫu lặp lại tại các vị trí lấy mẫu.