Hội thảo tham vấn “Phân vùng nguy cơ lũ quét và xác định ngưỡng mưa sinh lũ quét tại khu vực trung du và miền núi”

Hội thảo được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) tổ chức vào chiều ngày 21/8 với sự tham gia của Lãnh đạo Viện, Ban quản lý dự án, Lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các chuyên gia trong và ngoài Viện.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì hội thảo

Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH), TS. Lương Hữu Dũng đã đại diện nhóm thực hiện trình bày các nội dung của dự án.

Theo đó, dự án “Phân vùng nguy cơ lũ quét và xác định ngưỡng mưa sinh lũ quét tại khu vực trung du và miền núi” xác định mục tiêu cụ thể là đánh giá được mức độ rủi ro đối với lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi; Xây dựng được bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa cho các khu vực trung du và miền núi; Xây dựng được các bản đồ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa thời gian thực.

TS. Lương Hữu Dũng trình bày nội dung dự án

Trong các nội dung của dự án, Viện KTTVBĐKH thực hiện hai hoạt động chính là cập nhật hiện trạng bản đồ lũ quét, sạt lở đất đá do mưa (tỷ lệ 1:50.000); phân tích, đánh giá và xác định ngưỡng mưa gây lũ quét cho các vị trí nguy cơ cao xảy ra lũ quét. Phạm vi thực hiện lập bản đồ hiện trạng lũ quét, sạt lở và đánh giá ngưỡng mưa sinh lũ quét thực hiện cho 22 tỉnh vùng núi gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét thực hiện cho 14 tỉnh gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vình Phúc, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình.

Với việc xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập các số liệu đầu vào bao gồm: Số liệu bản đồ (bản đồ địa hình, bản đồ sông suối, bản đồ thảm phủ, bản đồ đất), thông tin và bản đồ vị trí xảy ra lũ quét. Từ đó, thực hiện tính toán, phân vùng độ dốc lòng sông, độ dốc địa hình lưu vực sông/tỉnh, nguy cơ xói mòn đất, khả năng phòng hộ của lớp thảm phủ, khả năng trữ nước theo sử dụng đất.

Bằng phương pháp hiện trạng phân vùng nguy cơ lũ quét thực hiện đối với hiện trạng vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía bắc và phương pháp xét đến chỉ số năng lượng dòng chảy, chỉ số độ ẩm, nhóm nghiên cứu tiến hành so sánh đánh giá trọng số trong thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã xây dựng được bản đồ phân vùng nguy cơ sinh lũ quét tại tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Đối với nội dung phân tích, đánh giá và xác định ngưỡng mưa gây lũ quét, nhóm thực hiện tiến hành thiết lập mô hình toán tính toán độ ẩm đất và lưu lượng từ mưa, tính toán các ngưỡng mưa nguy cơ xuất hiện lũ quét. Bằng việc sử dụng phương pháp mô hình toán, phân tích tổng hợp, công nghệ GIS và viễn thám, nhóm hiện đã tính được lưu vực cho 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Quảng Nam.

Sau phần trình bày của TS. Lương Hữu Dũng, các chuyên gia tham dự hội thảo đã lần lượt cho ý kiến về các nội dung mà nhóm thực hiện dự án đã làm được. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến lũ quét, chỉ tiêu xác định ngưỡng lũ quét, nguy cơ lũ quét…

TS. Nguyễn Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) góp ý tại hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà cho rằng, nhóm thực hiện đã trình bày kết quả nghiên cứu phương pháp phân vùng  nguy cơ lũ quét và xây dựng được phương pháp xác định ngưỡng mưa sinh lũ quét tại khu vực trung du và miền núi. Nhóm cũng đã lựa chọn và thiết lập được mô hình toán mô phỏng dòng chảy và tính toán độ ẩm đất trên các lưu vực. Tuy nhiên, từ các góp ý và trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học nhóm nghiên cứu cần phân tích, lựa chọn phương pháp phân vùng với trọng số của các thành phần phù hợp với hiện trạng lũ quét. Đối với mô hình toán thủy văn, cần hướng đến việc sử dụng dữ liệu mưa lưới đã được xây dựng và sử dụng tại Tổng cục KTTV và Viện KH KTTV và BĐKH.