gày 26/10 tại TP.HCM, Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn (KTTV) và Biến đổi khí hậu (BĐKH), Trung tâm Cảnh báo và Dự báo Tài nguyên nước đã phối hợp với Cục Địa chất Phần Lan tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Phát triển và thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH cấp địa phương tại các vùng ven biển Việt Nam” (VIETADAPT II).
Dự án VIETADAPT II – một trong những dự án trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan nhằm tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và BĐKH cho biết: Các hoạt động của dự án VIETADAPT giai đoạn I đã cung cấp thông tin cần thiết hỗ trợ cho hai tỉnh ven biển Thanh Hóa và Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; đồng thời, góp phần điều chỉnh, xây dựng và lồng ghép vấn đề BĐKH vào các chương trình, kế hoạch, quy hoạch trong tương lai và nâng cao khả năng thích ứng BĐKH cho người dân địa phương cũng như những đơn vị chủ chốt của địa phương.
“Cùng với sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng, Bộ Ngoại giao Phần Lan đánh giá cao những kết quả dự án VIETADAPT giai đoạn I và tiếp tục ủng hộ thực hiện giai đoạn II. Dự án VIETADAPT II được triển khai chi tiết xuống cấp huyện, đó là huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa và huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu làm đại diện” – PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương cho hay.
Theo PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, xây dựng các giải pháp thích ứng với BĐKH, không thể không dựa vào những thông tin từ kịch bản BĐKH, nước biển dâng. Là đơn vị đồng tham gia thực hiện dự án VIETADAPT II, Phân viện Khoa học KTTV và BĐKH – một bộ phận không tách dời của Viện Khoa học KTTV và BĐKH – Cơ quan được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng năm 2009, 2012.
Và hiện nay, đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phiên bản cập nhật năm 2016 sắp được ban hành với những điểm mới quan trọng so với phiên bản năm 2012 như: Cập nhật số liệu KTTV, Hải văn đến năm 2014, số liệu địa hình của bản đồ tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000 được đo đạc bởi các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH…
Một trong những điểm mới đáng chú ý là trong cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng lần này dựa trên cách tiếp cận mới về kịch bản phát thải là Kịch bản phát thải chuẩn (Benchmark emissions scenarios), hay đường nồng độ khí nhà kính đại diện “Representative Concentration Pathways” (RCP) và thời kỳ cơ sở được lựa chọn để so sánh là 1986 – 2005, thay cho thời kỳ 1980 – 1999 như lần công bố trước đây.
PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương phát biểu: Để đáp ứng tính thời sự đó, dự án VIETADAPT II đã bổ sung những thông tin từ kịch bản BĐKH năm 2016 vào các kết quả đánh giá tổn thương cũng như xâm nhập mặn và đề xuất các giải pháp thích ứng cho khu vực Hậu Lộc và Tân Thành. Hội thảo hôm nay cũng hy vọng nhận ý kiến đóng góp của đại biểu địa phương và các bên liên quan để đạt được các kết quả xác đáng và thiết thực cho dự án này.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo cũng đã nghe báo cáo kết quả dự án VIETADAPT II. Theo đó, VIETADAPT II tập trung các hoạt động tại hai khu vực nghiên cứu, đó là huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu ở miền Nam Việt Nam và huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa ở miền Bắc Việt Nam. Các hoạt động này tập trung chủ yếu: Đánh giá BĐKH và các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội. Đánh giá tác động của thiên tai, BĐKH đối với môi trường, tài nguyên, con người.
Cùng với đó, đánh giá mức độ và xây dựng bản đồ tổn thương do thiên tai đến hai huyện Tân Thành và huyện Hậu Lộc. Đánh giá mức độ tổn thương do BĐKH, nước biển dâng đến tài nguyên nước dưới đất của 2 huyện này. Xác định, xây dựng mô hình và lập bản đồ xâm nhập mặn, ô nhiễm tài nguyên nước mặt. Xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH cấp địa phương (huyện).
Từ các hoạt động này, dự án VIETADAPT II đã đạt được những kết quả: Đánh giá được mức độ tổn thương do thiên tai, BĐKH, nước biển dâng đến các ngành, lĩnh vực tài nguyên nước nước mặt, nước dưới đất và con người. Xây dựng các biện pháp thích ứng với BĐKH, nước biển dâng ở cấp địa phương với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Bên cạnh đó, các cuộc đối thoại giữa các nhà khoa học và các bên liên quan cấp địa phương đã được phát triển và thực hiện thông qua các hội thảo. Các nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đánh giá tính dễ bị tổn thương và phát triển các giải pháp thích ứng BĐKH.
Dự án VIETADAPT II đã xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan tại địa phương và đã nhận được những phản hồi tích cực từ các cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với BĐKH. Kết quả đạt được của dự án VIETADAPT II sẽ được sử dụng để thực hiện các chiến lược thích ứng BĐKH cấp địa phương khu vực nghiên cứu cũng như trong sự phát triển và thực hiện các chiến lược thích ứng BĐKH ở Việt Nam.