Khoa học Việt Nam cần nghiên cứu sâu về cấu trúc cơn bão

Chiều 18/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sơ kết ba năm hợp tác giữa hai bộ trong nghiên cứu khoa học.

Từ năm 2015 đến 2018, trong bảy nội dung được thống nhất, hai bên đã cùng nhau phối hợp và đạt được nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị ở các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, khí hậu, biển hải đảo, viễn thám…

Bộ Tài nguyên đã xây dựng, công bố xuất bản bản đồ địa chất Việt Nam (phần đất liền và các vùng biển phụ cận) nhằm trao đổi, giới thiệu về cơ sở địa chất và khoáng sản của Việt Nam với thế giới, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo. Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang – Bạch Mã…

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao kết quả này và cho rằng Bộ Tài nguyên đã tập trung nguồn lực, huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng giải quyết bài toán đặt ra đối với các lĩnh vực do Bộ quản lý.

 

Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà cho rằng, việc hai bên hợp tác đã giúp hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ thời gian qua đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong tình hình mới ông đặc biệt nhấn mạnh những nghiên cứu cần ưu tiên, nhất là công tác dự báo khí tượng, thủy văn.

Ông Hà cho rằng các nước khác nghiên cứu cơ bản về một cơn bão rất bài bản. Vì thế chỉ cần nhìn cấu trúc hình thành cơn bão sẽ biết ngay được tâm bão, sức tàn phá ra sao. “Việt Nam chưa có nghiên cứu đến nơi đến chốn về cấu trúc hình thành cơn bão. Đây là một nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới”, ông Hà nhấn mạnh.
 
Đường đi của cơn bão số 8 – bão Sơn Tinh 

Một vấn đề cũng được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đề xuất cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ xử lý chất thải trong thời gian tới.

Theo ông Hà, với các lò xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại hiện nay chưa đánh giá đã biết không đạt yêu cầu. Vì thế ông đề xuất thời gian tới nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ xử lý chất thải sẽ được thống nhất và hai Bộ cùng nhau đưa ra các tiêu chuẩn đối với lò xử lý chất thải. “Nếu cần sẽ thành lập hội đồng quốc gia, đưa ra tiêu chí đánh giá và công bố đối với các công nghệ xử lý chất thải. Công nghệ nào hội đồng công bố mới được tham gia xử lý chất thải ở Việt Nam”, ông Hà nói. Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học trái đất và khoa học biển; phát triển hệ thống đồng hóa dữ liệu từ nguồn số liệu radar thời tiết, vệ tinh, thám không vô tuyến, số liệu bề mặt; phát triển hệ thống mô hình dự báo cực ngắn; hệ thống dự báo điểm; hệ thống dự báo bão, mưa lớn chuyên dụng cho Việt Nam cũng được hai bộ thống nhất và ký tiếp giai đoạn 2018-2021.

Bích Ngọc – VNEXPRESS

Trả lời