Kinh nghiệm của một số quốc gia trong hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề của sự phát triển và là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu phát triển bền vững, hiểm họa tiềm tàng đối với nhân loại. Xu thế nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, cho đến nay, có thể khẳng định là bất khả kháng, ít nhất là trong thế kỷ XXI. Nguyên nhân chính của BĐKH là do sự gia tăng nồng độ khí nhà kính (KNK) trong bầu khí quyển do các hoạt động của con người. Do vậy, ứng phó với BĐKH là yêu cầu tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới, đòi hỏi các quốc gia cùng chung tay chống BĐKH và bảo vệ hệ thống khí hậu của Trái đất. Chính vì lẽ đó, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về BĐKH (COP) được tổ chức hằng năm nhằm tìm kiếm các giải pháp chung toàn cầu về ứng phó với BĐKH. COP đầu tiên diễn ra vào năm 1995 tại CHLB Đức và đến nay đã trải qua 26 lần COP, cộng đồng thế giới đã thống nhất nhiều mục tiêu và cam kết chung về cắt giảm phát thải KNK. Theo Thỏa thuận Paris (2015), các quốc gia tham gia đã đưa ra cam kết cắt giảm phát thải KNK nhằm đạt mục tiêu về mức tăng của nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ XXI là ở dưới mức 2,0oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng giữ ở mức tăng là 1,5oC. Đến COP26 (2021) tại Glasgow, Vương quốc Anh, các quốc gia tham gia đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhấn mạnh các giải pháp giảm phát thải KNK nhằm đạt được mục tiêu 1,5oC, tránh những tác động tồi tệ nhất do BĐKH gây ra, đồng thời giảm mạnh phát thải các KNK khác (như khí mê-tan).

Để triển khai hiệu quả các cam kết toàn cầu chống BĐKH và bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu là luật hóa vấn đề BĐKH và lồng ghép ứng phó BĐKH vào trong các văn bản luật chuyên ngành, ban hành các công cụ chính sách. Trên thế giới, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines là các quốc gia đã ban hành luật riêng về BĐKH; Trung Quốc cũng sớm hoàn thành dự thảo luật riêng về BĐKH vào năm 2009; một số nước sau này (sau Thỏa thuận Paris) mới ban hành hoặc hoàn thành dự thảo luật riêng về BĐKH như Hà Lan, CHLB Đức, Thái Lan…

Ở Việt Nam, hoạt động ứng phó với BĐKH bắt đầu được quan tâm từ những năm cuối của thế kỷ XX. Năm 2008, “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP)” được ban hành, các hoạt động ứng phó với BĐKH đã có những bước tiến rõ ràng. Đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong ứng phó với BĐKH; vấn đề ứng phó với BĐKH đã được lồng ghép vào trong một số văn bản luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và một số văn bản luật khác có liên quan. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đã đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên triển khai trong ứng phó với BĐKH, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản pháp luật về BĐKH.

Nhằm cung cấp thông tin phục vụ công tác nghiên cứu và ban hành văn bản pháp luật về BĐKH ở Việt Nam, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ thông qua Dự án “Thích ứng với Biến đổi Khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MCRP)” đã triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu “Kinh nghiệm một số nước trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Mục tiêu của nghiên cứu: (i) Đúc kết kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động ứng phó với BĐKH; (ii) Đưa ra một số kiến nghị cho hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam; (iii) Hình thành cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế cho việc xây dựng pháp luật về BĐKH ở Việt Nam. Nghiên cứu này tập trung phân tích kinh nghiệm trong nghiên cứu xây dựng, ban hành và thực thi chính sách ở: (i) Một số quốc gia ở châu Âu (Vương quốc Anh, Hà Lan, CHLB Đức); (ii) Một số quốc gia ở Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc); (iii) Một số quốc gia ở Đông Nam Á (Thái Lan, Philippines). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này và kinh nghiệm của tập thể tác giả, cuốn sách “Kinh nghiệm của một số quốc gia trong hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu” được biên soạn.

Tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tham gia biên tập nội dung cuốn sách. Cuốn sách có cập nhật một số kết quả công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Tổng Cục Khí tượng Thủy văn), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ/Ngành khác và địa phương. Bên cạnh đó, một số nội dung của cuốn sách được tham khảo từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học như GS. TS. Trần Thục, TSKH. Nguyễn Đức Ngữ, GS.TS. Nguyễn Trọng Hiệu, GS. TS. Trần Hồng Thái, GS. Phan Văn Tân, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, GS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương.

Tập thể tác giả xin chân thành cảm ơn Dự án MCRP đã cung cấp kết quả nghiên cứu, nhiều số liệu, tài liệu có giá trị, cũng như các hỗ trợ khác; xin cảm ơn Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã có những góp ý quý báu và tổ chức in ấn, phát hành cuốn sách tới đông đảo bạn đọc; xin cảm ơn Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã hỗ trợ công tác biên tập cuốn sách. Tập thể tác giả xin gửi lời cảm ơn tới Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Biến đổi khí hậu, Dự án SIPA và MCRP – GIZ, GS. Nguyễn Đức Ngữ, GS. Trần Thục, GS. Nguyễn Trọng Hiệu, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, ThS. Nguyễn Văn Tuệ, TS. Nguyễn Quang Huân, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, TS. Nguyễn Văn Hồng, TS. Đặng Quang Thịnh và các chuyên gia khác đã có những góp ý hữu ích cho nội dung cuốn sách.

Tập thể tác giả

Link cuốn sách

Trả lời