Làm thế nào Việt Nam có thể đạt được Net Zero vào năm 2050

Sự kiện “Làm thế nào Việt Nam có thể đạt được Net Zero vào năm 2050” diễn ra ngày 4 tháng 11 năm 2021.

Với mục tiêu nâng cao tham vọng của NDC bằng nỗ lực chung của các bên chính, sự kiện này tạo cơ hội cho các đại biểu có thêm thông tin về việc sửa đổi NDC của Việt Nam cũng như thể hiện vai trò của các đối tác trong việc thực hiện NDC nhằm nâng cao tham vọng của NDC tại Việt Nam đến năm 2030 từ các diễn giả đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực tư nhân, INGO và các tổ chức phi chính phủ Việt Nam với sự chia sẻ thách thức từ Myanmar. Các nội dung chính trong Hội nghị xung quanh vấn đề về nâng cao tham vọng cao của NDC cập nhật năm 2020 của Việt Nam; Kêu gọi hành động và hỗ trợ từ DP, các nhà tài trợ và các quốc gia khác về việc thực hiện NDC của Việt Nam; Tăng cường mối quan hệ và hợp tác giữa WWF với Chính phủ Việt Nam; Chia sẻ bản sửa đổi NDC của Việt Nam và cam kết của Net Zero; CSO hoạt động dựa trên quy trình sửa đổi NDC và các lưu ý chính về cách đạt được Net Zero vào năm 2050 từ lĩnh vực điện; Khoảng cách tài chính trong ứng phó với BĐKH của Việt Nam và các khuyến nghị; Cơ hội tài trợ để Việt Nam đạt được Net Zero vào năm 2050; Thách thức của các CSO ở Myanmar trong việc tham gia vào việc thực hiện NDC; Đại sứ quán Đan Mạch cũng chia sẻ về các thách thức và vấn đề chính cần tập trung trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.

Tại Hội nghị PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương đã trao đổi về các nội dung trong Bản đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) được cập nhật lần cuối trước khi gửi Ban thư ký công ước vào năm 2020. NDC lấy năm 2014 làm cơ sở tính toán giá trị phát thải khí nhà kính. Từ đó đã điều chỉnh cam kết. NDC gồm 2 hợp phần chính: (1) Hợp phần giảm nhẹ khí phát thải nhà kính; (2) Hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã cam kết trong NDC như sau:

– Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực quốc gia: Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với BAU quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ. Dự tính giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng là 51,5 triệu tấn CO2tđ, chiếm 5,5% so với BAU quốc gia; lĩnh vực nông nghiệp là 6,8 triệu tấn CO2tđ, chiếm 0,7% so với BAU quốc gia; lĩnh vực LULUCF là 9,3 triệu tấn CO2tđ, chiếm 1,0% so với BAU quốc gia; lĩnh vực chất thải là 9,1 triệu tấn CO2tđ, chiếm 1,0% so với BAU quốc gia; lĩnh vực IP là 7,2 triệu tấn CO2tđ, chiếm 0,8% so với BAU quốc gia.

Giảm 27% (tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ) lượng phát thải khí nhà kính nếu như có sự hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, ước tính giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng là 155,8 triệu tấn CO2tđ, chiếm 16,7% so với BAU quốc gia; lĩnh vực nông nghiệp là 32,6 triệu tấn CO2tđ, chiếm 3,5% so với BAU quốc gia; lĩnh vực LULUCF là 21,2 triệu tấn CO2tđ, chiếm 2,3% so với BAU quốc gia; lĩnh vực chất thải là 33,2 triệu tấn CO2tđ, chiếm 3,6% so với BAU quốc gia; lĩnh vực IP là 8,0 triệu tấn CO2tđ, chiếm 0,9% so với BAU quốc gia).

Hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 đối với các lĩnh vực năng lượng; nông nghiệp; chất thải; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), các quá trình công nghiệp (IP). Kịch bản phát triển thông thường (BAU) được xây dựng với năm cơ sở là năm 2014 và dự tính cho đến năm 2030.

Các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật gồm:

– Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng;

– Thay đổi cơ cấu tiêu thụ nhiên liệu, sử dụng năng lượng trong công nghiệp và giao thông vận tải;

– Chuyển đổi phương thức vận tải hành khách, hàng hóa;

– Đẩy mạnh khai thác hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng;

– Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp;

– Quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thụ các-bon và các dịch vụ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân sống phụ thuộc vào rừng;

– Quản lý chất thải;

– Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bằng các biện pháp thay thế vật liệu xây dựng và cải tiến quy trình sản xuất xi măng, công nghiệp hóa chất và giảm tiêu thụ HFCs.

Hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu xác định các nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu và giảm nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra, góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Những nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu được xác định bao gồm:

Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu;

– Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái;

Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu. Những nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu được cụ thể hóa thông qua Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (National Adaptation Plan – NAP) và Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả của việc thực hiện NAP sẽ được sử dụng làm đầu vào để rà soát và đánh giá NDC.

 

PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương trình bày bản NDC cập nhật của Việt Nam tại Sự kiện

Link: https://www.youtube.com/watch?v=mqAxLsEUyos&t=18s

Trả lời