Giải báo chí về tài nguyên và môi trường đã trải qua 4 kỳ, ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo của các cơ quan thông tấn báo chí, của các phóng viên, biên tập viên trên cả nước, thể hiện qua số lượng, chất lượng các tác phẩm đăng ký dự thi của mỗi kỳ. Năm nay, Ban tổ chức giải nhận được 500 tác phẩm đa dạng và phong phú về hình thức thể hiện của gần 350 tác giả, nhóm tác giả đến từ 78 cơ quan báo chí trên toàn quốc.
Các tác phẩm báo chí được tuyển chọn thông qua Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Thành viên Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo là các nhà quản lý, nhà báo có uy tín cao và nhiều năm kinh nghiệm hoạt động báo chí; đại diện cho các cơ quan về định hướng và quản lý nhà nước về báo chí; cơ quan truyền thông đại chúng như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Đại biểu nhân dân; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam…
Các thành viên Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo đã làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao để tuyển chọn các tác phẩm báo chí thực sự đảm bảo chất lượng; phản ánh các vấn đề trọng tâm nhất của tài nguyên và môi trường hiện nay.
Chương trình trao Giải thưởng đã tôn vinh 29 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất của 45 tác giả, nhóm tác giả. Đặc biệt có 05 tác phẩm đoạt Giải A gồm: “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long cần hành động và tư duy đột phá” – Báo Vĩnh Long, “Mặn và Ngọt” – Đài truyền hình Việt Nam, “Biển vẫn mặn mòi” – Đài truyền hình Hà Tĩnh , “Những dấu chân người giữ rừng” – Báo Quảng Nam, “Ào ạt rút ruột biển Cần Giờ” – Liên chi hội báo Thanh Niên.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan thông tấn báo chí; sự phối hợp, đồng hành đầy nhiệt thành, tâm huyết của các phóng viên, biên tập viên đã đồng hành trong suốt 16 năm phát triển của ngành tài nguyên môi trường.
“Các tấm gương điển hình, cách làm hay, mô hình tốt đã được phát hiện, tôn vinh kịp thời và nhân rộng. Đây là nguồn động viên lớn lao đối với các cán bộ công chức đang ngày đêm có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc kiếm tìm các nguồn tài nguyên cho đất nước, giữ gìn môi trường xanh, sạch cho Nhân dân. Đồng thời, qua lăng kính báo chí, các tồn tại, khiếm khuyết trong cơ chế chính sách, trong công tác quản lý, những bài học chưa thành công đã được chỉ ra để Ngành kịp thời khắc phục, đổi mới và hoàn thiện; đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong từng giai đoạn; giải quyết đúng đắn quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Thay mặt những người làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên cả nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tri ân những đóng góp đầy tâm huyết của các phóng viên, biên tập viên và mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành với sự nghiệp đổi mới của Ngành.
So với các Giải thưởng trước đây, Giải thưởng báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ IV năm 2018 với nhiều điểm mới quan trọng. Giải thưởng hướng vào 6 nhóm chủ đề cụ thể trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay.
Sáu chủ đề chính gồm: Phát hiện, phản ánh những tồn tại, bất cập trong ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, những tiêu cực, điểm nóng, những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; tăng cường cải cách hành chính ngành tài nguyên và môi trường, áp dụng các giải pháp, công nghệ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng và doanh nghiệp; chuyển đổi mô hình phát triển, đề xuất các giải pháp ổn định sinh kế của người dân nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ các tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan; tôn vinh những điển hình tiên tiến, mô hình mới, sáng kiến về cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về tài nguyên và môi trường; quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, đa dạng sinh học, tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác theo định hướng phát triển bền vững; phản ánh tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên; tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, môi trường khu vực đô thị, nông thôn theo định hướng không đánh đổi kinh tế lấy bảo vệ môi trường; phản ánh các hoạt động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn; những mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường.