Năm phát hiện chính từ Báo cáo đánh giá lần thứ 6 của IPCC về biến đổi khí hậu

Ngày 9/8/2021, Phiên họp thứ 54 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) – IPCC của Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo đánh giá lần thứ 6 của IPCC về biến đổi khí hậu. Báo cáo đã nêu ra những điểm đáng lo ngại về tình trạng BĐKH, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự nóng lên toàn cầu là do tác động của con người, dự báo ngưỡng nóng lên của trái đất sẽ vượt qua 2°C ngay trong thế kỷ này và sự cấp bách của việc giảm “mạnh mẽ, nhanh chóng và bền vững” lượng khí thải CO2.





















Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 (AR6) được xây dựng với sự đóng góp của khoảng 234 nhà khoa học từ 66 quốc gia và dựa trên 14.000 trích dẫn nghiên cứu khoa học để đưa ra kết luận. 5 điểm chính báo cáo AR6 đã chỉ ra là:

1) Nhiệt độ trái đất có thể tăng đạt ngưỡng 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào giữa những năm 2030: Trong giai đoạn 2021-2040, mức tăng của nhiệt độ trung bình toàn cầu rất có khả năng vượt quá 1,5°C trong điều kiện lượng phát thải rất cao và cũng có khả năng xảy ra trong điều kiện phát thải trung bình hoặc cao. Ngay cả khi lượng khí thải thấp, như trong SSP1-2.6, sự nóng lên trong thời gian ngắn vẫn có nhiều khả năng đến 1,5°C.

2) Hoạt động của con người là nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu: Báo cáo AR6 của IPCC tuyên bố chắc chắn rằng các tác động của con người là nguyên nhân chính cho sự nóng lên toàn cầu. Do hoạt động của con người – phần lớn là đốt nhiên liệu hóa thạch, nồng độ KNK trong khí quyển đã tăng cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong hai triệu năm qua, và sẽ tiếp tục tăng (mặc dù lượng phát thải toàn cầu hàng năm giảm tạm thời do hậu quả của đại dịch Covid-19). Kết quả, BĐKH đã ảnh hưởng đến mọi khu vực trên Trái đất và những hậu quả như mực nước biển dâng, axit hóa đại dương và tan băng vĩnh cửu là không thể tránh khỏi.

3) Biến đổi khí hậu đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi khu vực. Biến đổi khí hậu hiện đang ảnh hưởng đến mọi khu vực có thể ở được, gây bất lợi cho sức khỏe con người, hệ sinh thái và môi trường. Những tác nhân này sẽ có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe và đời sống của con người, đặc biệt là khi khí hậu thay đổi đột ngột sẽ ngày càng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lương thực toàn cầu. Những thay đổi như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến một nền kinh tế toàn cầu. Ví dụ, những thay đổi trong băng tuyết và lũ lụt trên sông ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á có thể tác động đáng kể đến cơ sở hạ tầng, du lịch, giao thông và sản xuất năng lượng.

 

4) Khí thải mê-tan hiện là mối quan tâm chính của toàn cầu. Mê-tan là một loại khí nhà kính mạnh có tác dụng làm nóng cao hơn 80 lần so với Các-bon Đi-ô-xít (CO2) trong khoảng thời gian 20 năm. Lần đầu tiên, báo cáo của IPCC nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm “mạnh mẽ, nhanh chóng và bền vững” lượng khí thải mê-tan, ngoài việc cắt giảm khí thải CO2, để làm chậm sự nóng lên và đạt được các mục tiêu khí hậu.

5) Hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 °C vào cuối thế kỷ này đòi hỏi sự hành động quyết liệt của nhân loại: Nếu thế giới có hành động quyết liệt với việc giảm phát thải ngay lập tức, nhanh chóng và trên quy mô lớn, sự nóng lên có thể bị giới hạn ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ 21. Lượng carbon còn lại của thế giới mà chúng ta có thể phát ra và vẫn có 50% cơ hội hạn để chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C chỉ khoảng 460 GtCO2 tính đến đầu năm 2021, tương đương với hơn một thập kỷ lượng khí thải hiện tại trước khi chúng ta cạn kiệt ngân sách.

Trả lời