Sáng 9/11, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu thử nghiệm dự báo chất lượng môi trường không khí ngắn hạn cho khu vực thành phố Hà Nội” do TS. Ngô Thị Thủy làm chủ nhiệm.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà là Chủ tịch Hội đồng
Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Chủ tịch Hội đồng), các thành viên đã nghe TS. Ngô Thị Thủy trình bày tóm tắt các nội dung của đề tài.
Nói về lý do lựa chọn đề tài, TS. Ngô Thị Thủy cho biết, tình hình ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề được cả thế giới quan tậm. Tại Việt Nam, hiện tượng ô nhiễm không khí ở thành phố Hà Nội đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân. Các kênh thông tin đại chúng đã liên tục đưa tin về tình hình không khí tại thủ đô trong suốt thời gian dài. Chính vì vậy, việc xây dựng công cụ dự báo chất lượng môi trường không khí cho TP Hà Nội trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã triển khai thực hiện các nội dung như: Thu thập và phân tích số liệu chất lượng môi trường không khí tại thành phố Hà Nội; Ước tính một cách định lượng các nguồn gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí tại thành phố Hà Nội; Nghiên cứu, lựa chọn và thiết lập mô hình tính toán lan truyền chất lượng môi trường không khí cho thành phố Hà Nội; Kết nối mô hình chất lượng không khí với mô hình số trị dự báo thời tiết; Dự báo thử nghiệm chất lượng không khí cho khu vực Thành phố Hà Nội (thử nghiệm trong 9-11/2021); Kiểm nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội; Xây dựng quy trình dự báo chất lượng không khí; Chuyển giao và xây dựng báo cáo tổng kết.
TS. Ngô Thị Thủy trình bày tại Hội đồng cấp cơ sở
Sau thời gian triển khai thực hiện, TS. Ngô Thị Thủy và các thành viên trong nhóm đã hoàn thiện các sản phẩm chính theo yêu cầu đặt hàng của Bộ. Về sản phẩm dạng II, đề tài đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự báo các nguồn gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội một cách đầy đủ, dễ sử dụng. Mô hình dự báo hạn ngắn chất lượng không khí độ phân giải tối thiểu 2×2 km, thời hạn dự báo 3 ngày, tần suất dự báo 1 lần/ngày được xây dựng có tính thực tiễn cao, có khả năng phát triển từ công cụ thử nghiệm thành bộ mô hình phục vụ dự báo nghiệp vụ.
Về bản tin dự báo chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội trên trang Web của tổ chức chủ trì nhiệm vụ – Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu được đăng đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu. Báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm dự báo chất lượng không khí thành phố Hà Nội thực hiện theo đúng yêu cầu ngắn gọn, xúc tích, các chỉ tiêu đánh giá có căn cứ khoa học, thể hiện được mức độ thành công trong việc thử nghiệm dự báo chất lượng không khí.
Quy trình dự báo chất lượng không khí rõ ràng, thể hiện từng bước tiến hành, sẵn sàng để chuyển giao. Cuối cùng là Báo cáo tổng kết đề tài và báo cáo tóm tắt được viết bám sát và đáp ứng đầy đủ các mục tiêu, nội dung nghiên cứu đã được nêu trong Đề cương; đảm bảo về mức độ tin cậy, tính chính xác, tính khoa học và chất lượng nghiên cứu khoa học.
Toàn cảnh Hội đồng
Bên cạnh đó, các sản phẩm dạng III cũng được hoàn thành đúng đơn đặt hàng với 2 bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu (số tiếng Anh No.19-Sep. 2021) và Tạp chí Khí tượng Thủy văn (số tiếng Anh Vol 12-9/2022).
Nói về sản phẩm đào tạo, chủ nhiệm đề tài cho biết đã hoàn thành đào tạo một thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Đề tài luận văn thạc sỹ đã được giao có tựa đề: “Nghiên cứu ước tính phát thải bụi (PM2.5, PM10) từ các phương tiện giao thông tại TP. Hà Nội”.
Sau phần trình bày của TS. Ngô Thị Thủy, các thành viên Hội đồng đã đưa ra ý kiến nhận xét. Đề tài được các chuyên gia đánh giá hoàn thành và được đồng ý chuyển lên bảo vệ cấp Bộ trong thời gian sắp tới.