Nghiệm thu niên độ dự án “Điều tra khảo sát vết các-bon và hệ thống giám sát các-bon đen ở Việt Nam”

Ngày 4/12 Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu niên độ cấp cơ sở dự án “Điều tra khảo sát vết các-bon và hệ thống giám sát các-bon đen ở Việt Nam” do ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoài làm chủ nhiệm.

Buổi nghiệm thu diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Lê Ngọc Cầu (Chủ tịch Hội đồng) với sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng và nhóm thực hiện dự án.

TS. Lê Ngọc Cầu chủ trì buổi nghiệm thu

Tại buổi nghiệm thu, Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang đã đại diện nhóm thực hiện trình bày các nội dung của dự án. Theo đó, mục tiêu mà dự án hướng đến là điều tra khảo sát vết các-bon và đề xuất hệ thống giám sát các-bon đen ở Việt Nam để hỗ trợ hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam theo cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Từ mục tiêu trên, nhóm thực hiện đã triển khai thành các nội dung công việc cụ thể. Trong năm 2023, dự án tập trung thực hiện các nội dung: Xây dựng hệ số phát thải các-bon đen đặc trưng của các đối tượng; Xác định và lựa chọn phương pháp kiểm kê và giám sát phát thải các-bon; Kiểm kê phát thải các-bon đen ở Việt Nam năm 2014, 2016, 2022; Đề xuất hệ thống giám sát, báo cáo phát thải các-bon đen cho một số ngành/lĩnh vực ở Việt Nam.

Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang trình bày nội dung dự án

Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm thực hiện đã xây dựng hệ số phát thải các-bon đen đặc trưng cho nhà máy xi măng, nhà máy điện than, ô tô động cơ sử dụng dầu diesel, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quan trắc và phân tích các-bon đen cho các lĩnh vực. Dựa vào dữ liệu thu thập được, nhóm thực hiện áp dụng phương pháp tính bậc 2 để kiểm kê cho ngành xi măng/điện than và ứng dụng mô hình SMOKE để tính toán tổng lượng các-bon đen phát thải từ lĩnh vực giao thông vận tải. Kết quả kiểm kê ngành sản xuất xi măng năm 2014, 2016 và 2022 cho thấy mức phát thải các-bon đen trên lượng clinker sản xuất tăng dần, tổng mức phát thải BC của ngành xi măng năm 2014, 2016, 2022 lần lượt là: 0,18; 0,22; 0,28 kg BC/ngày. Kết quả kiểm kê ngành điện than năm 2014, 2016, 2022 tăng dần theo các năm lần lượt là: 7,29; 13,53; 20,90 tấn BC/ngày.

Cùng với đó, dự án đã đưa ra đề xuất hệ thống giám sát, báo cáo phát thải các-bon đen cho kỹ thuật lấy mẫu và phân tích các-bon đen, kỹ thuật phân tích bụi PM2.5 và kỹ thuật phân tích các-bon đen.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong hội đồng đã lần lượt đưa ra ý kiến nhận xét về kết quả thực hiện năm 2023 của dự án. Theo các chuyên gia, dự án đã hoàn thành khối lượng sản phẩm theo yêu cầu của từng hạng mục. Tuy nhiên, nhóm thực hiện cần chỉnh sửa và biên tập lại báo cáo tổng kết, bổ sung mẫu phân tích, đo đạc vào báo cáo.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Phát biểu tổng kết buổi nghiệm thu, TS. Lê Ngọc Cầu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của dự án trong năm 2023 vì đã tính toán được hệ số phát thải ở 3 lĩnh vực là sản xuất xi măng, điện than, giao thông vận tải và đề xuất được hệ thống giám sát cho một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhóm thực hiện cần bổ sung báo cáo niên độ, rà soát, sửa lại một số từ ngữ, đơn vị tính, lỗi chính tả trong các báo cáo và nộp lại theo đúng yêu cầu của phòng kế hoạch tài chính.