Sông Hồng là một hệ thống sông liên quốc gia, là lưu vực có lượng mưa khá lớn, địa hình đa dạng, trong quá khứ mưa lũ lớn hình thành đã tác động bất lợi đến vùng hạ du, đặc biệt là 11 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ. Để đảm bảo an toàn dân cư và phát triển kinh tế xã hội, trên lưu vực sông Hồng từ xa xưa hệ thống đê đã được xây dựng đề thống phòng lũ (có thể kể đến có tính hệ thống sớm nhất từ những năm 1008 đời Lý Nhân Tông), tiếp theo đến là các khu phân chậm lũ và hệ thống hồ chứa lớn ở thượng lưu.
Hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông Hồng
Hiện nay, dưới tác động của tự nhiên và con người, hạ tầng phòng chống lũ trên lưu vực sông Hồng đang có những thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh đó công tác vận hành hồ chứa cũng tồn tại nhiều bất cập liên quan đến khả năng trữ, chống chịu của toàn hệ thống phòng chống lũ trên lưu vực, điều này đòi hỏi cần có nghiên cứu nâng cao hiệu quả vận hành liên hồ chứa và phòng chống lũ trên cơ sở ứng dụng được sự phát triển khoa học và công nghệ và nguồn số liệu đã tích lũy trong thời gian dài từ đó xem xét đề xuất nâng cao hiệu quả sử dụng/khai thác nguồn nước.
Trước tình hình đó Bộ KHCN đã giao Viện Khoa học KTTV và BĐKH thực hiện đề tài KHCN cấp Nhà nước ” Nghiên cứu khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống lũ, xây dựng công nghệ nhận dạng lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng và đề xuất giải pháp ứng phó ” do TS. Lương Hữu Dũng chủ trì. Đề tài được thực hiện trong vòng 2 năm từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 12 năm 2024 nhằm:
1. Đánh giá được khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng, chống lũ hiện trạng trên lưu vực sông Hồng đối với lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi.
2. Xây dựng được công nghệ nhận dạng lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng.
3. Đề xuất được giải pháp ứng phó với trường hợp xảy ra lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng.
Sơ đồ cấu trúc Bộ công cụ giám sát, quản lý, vận hành hồ chứa trên nền WebGIS
Các nội dung chính cần thực hiện trong đề tài bao gồm:
1. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến phòng chống lũ, dự báo mưa, nhận dạng lũ lớn trong và ngoài nước.
2. Thu thập, tổng hợp, khảo sát bổ sung các số liệu phục vụ nghiên cứu của đề tài.
3. Nghiên cứu đặc điểm mưa lớn, mưa bất lợi, khả năng xảy ra mưa lớn bất lợi trên lưu vực sông Hồng.
4. Nghiên cứu đặc điểm lũ, truyền lũ, tổ hợp lũ lớn trên lưu vực sông Hồng.
5. Nghiên cứu xác định khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống lũ trên lưu vực sông Hồng.
6. Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ nhận dạng lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng phục vụ cắt giảm lũ hiệu quả và nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
7. Nghiên cứu đề xuất quy trình phối hợp vận hành các công trình (các hồ chứa lớn) phòng lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng.
8. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống lũ và giải pháp ứng phó với tình huống xảy ra lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng.