Thông tin khí tượng thủy văn là “đầu vào” quan trọng đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội
Thông tin khí tượng thủy văn là “đầu vào” quan trọng đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội, phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn có ảnh hưởng tới 11/17 mục tiêu phát triển bền vững và giữ vai trò tối quan trọng ở cả 3 giai đoạn hoạt động là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trong mọi thời kỳ, các thông tin khí tượng thủy văn luôn được coi là một trong các yếu tố “thiên thời”, mang tính chất quyết định, góp phần vào các thắng lợi quân sự quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Thông điệp Ngày Khí tượng thế giới năm 2023 tại Việt Nam
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á, đại diện thường trực của Việt Nam tại Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho hay Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Thực tế trong những năm gần đây biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ông Thái cho biết trong thời gian qua, công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam đã không ngừng đổi mới. Nhờ đó, chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dần tiệm cận trình độ các nước tiên tiến, góp phần giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản.
Điển hình như đợt xâm nhập mặn kỷ lục vào mùa khô 2019-2020 được đánh giá là khốc liệt hơn năm 2016, tuy nhiên nhờ thông tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn (nhất là Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các hội nghị và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai cụ thể các phương án phòng chống, khắc phục) nên mức độ thiệt hại của đợt xâm nhập mặn 2020 chỉ bằng 1/10 so với năm 2016. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, năm 2022, công tác dự báo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp, đòi hỏi phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, ngành Khí tượng thủy văn có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu nên dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế, hiệu quả đối với đất nước.
Các thông tin về dự báo không chỉ đơn thuần thông báo các chỉ số thời tiết, mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động – đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng của hình thái thời tiết cụ thể trong thời gian cụ thể, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Ngành Khí tượng thủy văn đang cố gắng xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu. Ngành đã và đang phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo, đồng thời tích cực phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để tăng cường xây dựng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác khí tượng thủy văn.
Tăng cường dự báo sớm, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Việt Nam đã áp dụng được các bài học kinh nghiệm và thực tế tại các nước trong khu vực và trên thế giới về dự báo dựa trên tác động. Cụ thể, Tổng cục KTTV đã ban hành các Quyết định về loại, thời hạn và nội dung bản tin cho các đơn vị thuộc Hệ thống dự báo quốc gia, trong đó nhấn mạnh tất cả các loại bản tin phải cung cấp các thông tin về khả năng tác động của các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn và thiên tai đối với môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế xã hội.
Qua đánh giá bước đầu, khi thêm các thông tin về khả năng tác động vào các bản tin dự báo các hiện tượng hoặc thiên tai KTTV ở các thời hạn dự báo khác nhau, từ dự báo mùa tới dự báo tháng, dự báo 10 ngày và dự báo hạn ngắn 1-3 ngày đã đã các cơ quan chỉ đạo phòng tránh thiên tai các cấp chủ động hơn trong công tác lập và xây dựng kế hoạch phòng chống, cũng như triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai; thông tin cảnh báo khả năng tác động cũng giúp các cấp chính quyền địa phương khoanh vùng (không gian, đối tượng) có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, rà soát các điểm xung yếu tập trung nguồn lực vào các khu vực, các đối tượng chịu rủi ro cao giúp công tác ứng phó hiệu quả hơn..
Khẳng định vai trò ngành khí tượng thủy văn trên trường quốc tế
Ngành khí tượng thủy văn Việt Nam và WMO đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác triển khai hoạt động Trung tâm SEAFFGS tại Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO
Sau nhiều năm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vị thế của ngành khí tượng thủy văn trên trường quốc tế đã dần rõ nét, được các quốc gia trên thế giới công nhận.
Trong đó, năm 2011, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng thế (WMO) chọn là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á về thời tiết nguy hiểm (Trung tâm RFSC Hà Nội); năm 2017, Việt Nam tiếp tục được đảm nhiệm vai trò là Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á về cảnh báo lũ quét thuộc Chương trình Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á.
Tại tháng 8/2022, ngành khí tượng thủy văn Việt Nam và WMO đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác triển khai hoạt động Trung tâm SEAFFGS Hà Nội.
Không chỉ đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển ngành khí tượng thủy văn của khu vực Đông Nam Á, ngành khí tượng thủy văn còn không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương với nhiều quốc gia và tổ chức khác để nâng tầm vị thế của ngành trên trường quốc tế.
Theo Tạp chí KTTV