Sự gia tăng nhiệt độ Trái đất, biến đổi khí hậu (BĐKH) là nguyên nhân gây ra hàng loạt thảm họa thiên tai trên khắp thế giới thời gian qua. Dự báo trong nhiều thập kỷ tới, chu kỳ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ rút ngắn lại, đặc biệt là nắng nóng cực đoan, mưa, lũ lớn và hạn hán. Các mốc lịch sử xuất hiện ngày càng nhiều và thiệt hại cũng ngày càng lớn hơn.
Chưa bao giờ yêu cầu thích ứng với tác động của BĐKH lại trở nên bức thiết đến thế. Để hiểu hơn về ảnh hưởng khắc nghiệt của BĐKH lên khí quyển, con người thời gian gần đây, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn Gíao sư Trần Thục – Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Quốc gia về BĐKH.
Giáo sư Trần Thục – Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Quốc gia về BĐKH |
PV: Thưa Giáo sư, mới đây, khu vực vốn có khí hậu ôn hòa quanh năm như châu Âu đã gặp mưa lũ lớn lịch sử, tiếp sau đó là nắng nóng gây ra hàng chục nghìn vụ cháy rừng tồi tệ; hay cơn bão Ida lớn nhất trong lịch sử đổ bộ vào Mỹ cho thấy tình hình BĐKH đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Phải chăng, con người sẽ phải chấp nhận những biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu như một trạng thái “bình thường mới” trong tương lai?
GS. Trần Thục:
Biến đổi khí hậu đã có tác động rõ nét đối với sự gia tăng thiên tai trên thế giới và ở Việt Nam. Nhiệt độ tăng có thể dẫn đến thay đổi hoàn lưu gió mùa; thay đổi hoạt động của xoáy ở các cực gây nên các đợt nóng hoặc lạnh bất thường ở một số vùng; nhiệt độ nước biển tăng sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn khiến bão có cường độ mạnh gia tăng, bốc hơi tăng dẫn đến mưa cực đoan gia tăng và thiếu nước vào mùa khô.
Dữ liệu quan trắc hơn 50 năm qua trên toàn cầu cho thấy, các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã có xu thế gia tăng cả về cường độ và tần suất. Đến năm 2019, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp; mực nước biển trung bình toàn cầu giai đoạn 1902 – 2015 tăng khoảng 1,5mm/năm, giai đoạn 1993 – 2015 tăng 3,16mm/năm và giai đoạn 2006 – 2015 tăng 3,6mm/năm; số lượng bão nhiệt đới cường độ mạnh tăng và các siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Ở Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,89°C trong thời kỳ 1958 – 2018, riêng giai đoạn 1986 – 2018 tăng 0,74°C; mưa cực đoan tăng ở hầu hết các vùng của cả nước; số ngày nắng nóng tăng, số ngày rét đậm, rét hại giảm; hạn hán xảy ra thường xuyên hơn; mực nước biển tăng 2,74mm/năm; số lượng các cơn bão mạnh trên Biển Đông có xu thế tăng. Qua phân tích số liệu mưa trong bão ở miền Trung có thể thấy, với cùng một tần suất xuất hiện thì lượng mưa 1 ngày lớn nhất trong bão ở giai đoạn 1993 – 2017 đã tăng khá nhiều so với giai đoạn 1977 – 1992. Theo kịch bản BĐKH thì sự gia tăng mưa cực đoan này càng lớn. Dưới tác động của BĐKH, thời tiết có dấu hiệu cực đoan hơn cả về 2 phía nóng hơn và lạnh hơn. Sự bất thường của thời tiết cực đoan và thiên tai sẽ trầm trọng hơn trong tương lai, khiến cho việc dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro thiên tai càng khó khăn hơn.
Biến đổi khí hậu đã có tác động rõ nét đối với sự gia tăng thiên tai trên thế giới và ở Việt Nam. Ảnh: MH |
PV: BĐKH là thách thức của cả hiện tại và tương lai. Vậy đầu tư cho thích ứng BĐKH có mối quan hệ như thế nào với đầu tư phát triển kinh tế – xã hội nói chung, thưa Giáo sư?
GS. Trần Thục:
Việc phân biệt giữa đầu tư cho thích ứng với BĐKH và đầu tư cho phát triển là khá phức tạp. Sự khác biệt này là khó phân biệt, tạo ra thách thức trong việc quyết định hoạt động nào nên nhận được hỗ trợ dành cho thích ứng với BĐKH.
Một số quỹ thích ứng quốc tế và các nhà tài trợ song phương đã nỗ lực làm rõ định nghĩa về thích ứng với BĐKH, thiết lập các chỉ số để tiếp cận hỗ trợ thích ứng với BĐKH, và phân biệt hỗ trợ này với tài trợ phát triển. Tuy nhiên, quá trình này có thể không được đo lường dễ dàng như các hoạt động tăng cường khả năng thích ứng dựa trên quan điểm của phát triển kinh tế – xã hội thông thường. Trong một số lĩnh vực, có thể đo đạc và phân biệt được giá trị tăng thêm khi thực hiện các hành động thích ứng vào các hoạt động phát triển thông thường, thí dụ như các dự án trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc xác định ranh giới và những giá trị tăng thêm khi thực hiện các hành động thích ứng là rất khó trong một số lĩnh vực, thí dụ như lĩnh vực liên quan đến tài nguyên nước, vệ sinh và môi trường…
Thêm vào đó, một trong những thách thức lớn nhất trong việc thực hiện thích ứng với BĐKH là tính không chắc chắn trong các kịch bản BĐKH, những tác động có tính lâu dài và không thể lường trước của BĐKH.
Vì vậy, thích ứng với BĐKH nên được xem như một quá trình. Nó không phải là một chính sách hoặc dự án, mà là mối liên hệ giữa các hành động về tăng cường khả năng thích ứng và chuyển đổi trên nhiều cấp độ, lĩnh vực và đối tượng. Các nhiệm vụ/dự án thích ứng nên hướng tới việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản của tình trạng dễ bị tổn thương. Do vậy, không cần thiết phải phân biệt giữa thích ứng và phát triển mà cần xem xét liệu hoạt động được đề xuất có thể giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương hay không.
Các nỗ lực thích ứng sẽ tập trung vào sự thay đổi các quá trình cũng như những yếu tố gây ra tính dễ bị tổn thương. Các vấn đề nghèo đói, giới, sinh kế, khả năng tiếp cận thông tin và cơ sở hạ tầng cũng cần được xem xét và giải quyết. Kết quả là các nỗ lực về tăng cường cơ hội học hỏi, trao quyền lãnh đạo và hợp tác giữa các ngành và tổ chức sẽ được triển khai, thúc đẩy tiếp cận chuyển đổi thay vì chỉ tập trung vào điều chỉnh và gia tăng khả năng thích ứng để duy trì hệ thống.
PV: Thưa Giáo sư, Việt Nam được biết là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH nhất trên thế giới và cũng đã triển khai nhiều hoạt động thích ứng. Vậy với những tác động từ từ, diễn biến chậm lên tới hàng chục năm, làm thế nào để xác định các hành động thích ứng phù hợp và tạo động lực cho chính quyền, nhân dân triển khai?
GS. Trần Thục:
Thích ứng với BĐKH ở Việt Nam nên được dựa trên quan điểm: Thích ứng với BĐKH là một quá trình; là kết quả của nhiều hoạt động được phối hợp từ các cấp, các lĩnh vực và các đối tượng; các khoản đầu tư cho thích ứng là đầu tư vào sự phát triển. Các nhiệm vụ thích ứng cần được xem xét là những hành động không hối tiếc, là sự kết hợp hài hòa của các hành động phát triển kinh tế – xã hội thông thường và các hành động nhằm nâng cao khả năng thích ứng và giảm tính dễ bị tổn thương phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.
Các hành động thích ứng với BĐKH cần hướng đến các mục tiêu thích ứng trong Kế hoạch thích ứng quốc gia của Việt Nam, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: (1) Nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BĐKH, trong đó có hoạt động thích ứng với BĐKH, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch; (2) Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu; (3) Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.
PV: Dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều ngành kinh tế và ít nhiều cản trở mục tiêu ứng phó BĐKH của Việt Nam. Dưới góc độ chuyên gia, ông có nhận xét và đề xuất gì để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải như mong muốn trong thời gian tới?
GS. Trần Thục:
Dịch bệnh Covid-19 đã có những ảnh hưởng lớn đến công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam. Việc tập trung nguồn lực ứng phó với Covid-19 đã làm giảm nguồn lực (cả về kinh tế và con người) cho hoạt động thích ứng với BĐKH. Dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, dù phải dành nguồn lực để đối phó với Covid-19, các nỗ lực ứng phó với BĐKH vẫn theo lộ trình đã được xác định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Nghị định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Dự thảo quyết định về Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH quốc gia; Dự thảo Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Hiện tại, Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH với 2 mục tiêu chính là thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!