Ngày 17/1, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã có buổi làm việc với Trung tâm Khí tượng hàng không để triển khai thực hiện công tác phối hợp giữa hai bên.
Hai bên trao đổi về các nội dung hợp tác
Buổi làm việc diễn ra dưới sự đồng chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) và Ông Phan Bá Hùng (Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng hàng không) với sự tham gia của các cán bộ đại diện của hai đơn vị.
Tại buổi họp, hai đơn vị đã giới thiệu về mô hình, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các sản phẩm, dịch vụ hiện có đang cung cấp cho các khách hàng. Trên tinh thần thảo luận, trao đổi thẳng thắn và cởi mở, hai bên đã đưa ra một số nội dung phối hợp, hợp tác phù hợp với khả năng và trách nhiệm của mỗi bên trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Khí tượng hàng không, Ông Phan Bá Hùng khẳng định, với vị trí và chức năng của hai đơn vị thì cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn.
Bàn về việc hợp tác giữa hai bên, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà đã giới thiệu về các nghiên cứu nổi bật của Viện KTTVBĐKH trong thời gian qua. Đồng thời, Bà Ngà cũng khẳng định các kết quả nghiên cứu của Viện có thể tạo ra những công cụ, dự báo hỗ trợ những yêu cầu đặc thù của khí tượng hàng không.
Ông Vũ Văn Thăng (Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng – Khí hậu, Viện KTTVBĐKH) trình bày tại buổi làm việc
Cũng theo người đứng đầu Viện KTTVBĐKH, mạng lưới quan trắc của hàng không rất quý để cung cấp dữ liệu đầu vào cho các mô hình. Cụ thể, số liệu quan trắc và rada rất quan trọng trong dự báo điểm, dữ liệu quá khứ giúp luyện máy. Viện sẽ thử nghiệm một số công nghệ mới tại khu vực của tổng công ty như dùng máy bay không người lái và lidar đo gió để đánh giá nhiễu động lớp biên nên PGS. Ngà rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Trung tâm Khí tượng hàng không.
Sau khi thảo luận, trao đổi, Viện KTTVBĐKH và Trung tâm Khí tượng hàng không đã thống nhất được các nội dung hợp tác giữa hai đơn vị. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là hợp tác về phát triển chất lượng nguồn nhân lực thông qua các hoạt động phối hợp, hợp tác công tác huấn luyện đào tạo, trong đó có huấn luyện, đào tạo chuyên sâu, nâng cao; ngắn hạn, dài hạn. Hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm hướng người dùng.
Hai bên tiến hành chia sẻ công nghệ dự báo, cảnh báo, số liệu quan trắc; thông tin, sản phẩm dự báo thời tiết bao gồm dự báo điểm, dự báo xoáy thuận nhiệt đới, hiện tượng thời tiết cực đoan… Phối hợp, hợp tác cùng tham gia vào các tổ chức quốc tế có liên quan; tạo điều kiện tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên ngành nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ của Quốc tế. Hỗ trợ cung cấp dịch vụ tư vấn đối với chiến lược, kế hoạch phát triển ngành cũng như xây dựng các Hệ thống kỹ thuật phù trợ chuyên ngành khí tượng.
Ngoài việc thiết lập các cơ quan giúp việc để làm đầu mối liên lạc, điều phối, thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác, hai bên còn thống nhất sẽ xây dựng các văn bản phối hợp hiệp đồng hàng năm hoặc cho từng giai đoạn để triển khai các nội dung hợp tác nêu trên, phù hợp với tình hình thực tế của hai bên cho từng năm/giai đoạn cụ thể.