Ngày 2/7/2025 tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (KTTVBĐKH) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu và Cơ quan Khí tượng Hoàng gia Anh (UK Met Office) tổ chức Hội thảo tham vấn Kịch bản Biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Hội thảo là cơ hội trao đổi học thuật với các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và tham vấn các bên liên quan về kết quả dự tính kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình WISER (Dịch vụ Thông tin Thời tiết và Khí hậu) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) tài trợ.
Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà – Viện trưởng Viện KTTVBĐKH cho biết, tại Quyết định số 2291/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Viện được giao nhiệm vụ chủ trì “Xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam”.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu khai mạc hội thảo
Theo PGS. Ngà, kể từ Báo cáo Đánh giá Đầu tiên của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) được công bố năm 1990 đến Báo cáo Đánh giá mới nhất (AR6) được công bố vào năm 2021, việc xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu và khu vực đã có nhiều bước tiến lớn về cơ sở khoa học, phương pháp và độ chi tiết.
Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Khí tượng Thủy văn, kịch bản BĐKH phải được cập nhật định kỳ 5 năm một lần. Vì vậy, tiếp nối kịch bản BĐKH năm 2020 và trên cơ sở công bố gần đây AR6 của IPCC (2021), Viện KTTVBĐKH chủ trì, phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH cho Việt Nam phiên bản năm 2025.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà cùng TS. Mai Kim Liên chủ trì hội thảo
Người đứng đầu Viện KTTVBĐKH cho biết, kịch bản BĐKH cho Việt Nam bản cập nhật năm 2025 chú trọng vào các hiện tượng khí hậu cực đoan, đặc biệt là cực đoan đô thị và mực nước biển dâng phục vụ sát thực hơn nhu cầu quy hoạch, xây dựng chính sách và ứng phó tại các địa phương. Đồng thời, kịch bản được thiết kế phù hợp với yêu cầu thông tin của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan, góp phần hỗ trợ xây dựng các chiến lược quy hoạch hiệu quả tại địa phương và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
TS. Mai Kim Liên phát biểu tại hội thảo
TS. Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, khẳng định rằng kịch bản biến đổi khí hậu là căn cứ khoa học quan trọng, có giá trị trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch và lập kế hoạch cho các ngành, lĩnh vực cũng như các địa phương.Trước bối cảnh thay đổi về cơ cấu tổ chức hành chính theo chính quyền địa phương 2 cấp, bà bày tỏ hy vọng rằng Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu sẽ sớm hoàn thành kịch bản BĐKH cập nhật để có thể công bố vào Quý 1 2026, phục vụ các ngành, địa phương trong giai đoạn tới.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nghe chuyên gia quốc tế và trong nước chia sẻ về phương pháp xây dựng kịch bàn BĐKH cho Việt Nam, kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, nguy cơ ngập do nước biển dâng… Trong đó, bài trình bày của bà Emma Dyer (Met Office) về xây dựng kịch bản cực trị khí hậu và kịch bản khí hậu đô thị cho Việt Nam bằng mô hình khí hậu có phân giải cao CPM (Convection Permitting Model) gây chú ý. Kết quả mô phỏng khí hậu sử dụng mô hình CPM có độ phân giải cao 4,4 km, lần đầu tiên được áp dụng cho khu vực Việt Nam. Mô hình này cho phép mô phỏng chính xác hơn các hiện tượng mưa lớn, dông, nắng nóng kéo dài, từ đó cung cấp nền tảng khoa học vững chắc cho việc xây dựng các biện pháp ứng phó cụ thể.
Bà Emma Dyer trình bày tại hội thảo
Tiến sĩ Trương Bá Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Khí hậu đã trình bày những điểm mới trong Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) phiên bản cập nhật năm 2025 so với các phiên bản trước đó. TS. Vũ Văn Thăng, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Khí hậu, TS. Lê Quốc Huy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hải văn và TS. Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng phòng Phòng công nghệ KTTV&BĐKH cũng đã trình bày kết quả bước đầu về các kịch bản BĐKH, kịch bản nước biển dâng và nguy cơ ngập tương ứng với các kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam. Theo đó, kịch bản mới sử dụng các kịch bản phát thải SSP (SSP1-2.6; SSP2-4.5; SSP3-7.0) thay thế cho RCP trong phiên bản 2020, dựa trên Báo cáo đánh giá lần thứ sáu (AR6) của IPCC. Thời kỳ tham chiếu cũng được điều chỉnh sang giai đoạn 1995–2014, có mức nhiệt trung bình cao hơn 0,85°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tiến sĩ Trương Bá Kiên trình bày tại hội thảo
TS. Vũ Văn Thăng trình bày tại hội thảo
Dữ liệu quan trắc được cập nhật đến năm 2022, với độ phân giải cao hơn trên lưới 0,1° x 0,1°, so với dữ liệu cập nhật đến năm 2018 ở bản trước. Việc hiệu chỉnh và xử lý hậu mô hình cũng được cải tiến với các phương pháp hiệu chỉnh thống kê hiện đại, bao gồm cả hiệu chỉnh phi tuyến và lựa chọn mô hình khí hậu phù hợp hơn dựa trên bộ mô hình CMIP6 mới nhất. Độ phân giải tính toán cũng được nâng cấp: khu vực trọng điểm (ĐBSCL, Bắc Bộ) đạt độ phân giải khoảng 5–10 km, trong khi các tỉnh, thành lớn như TP.HCM, Hà Nội có độ phân giải chi tiết hơn.
Kịch bản năm 2025 mở rộng phạm vi các biến khí hậu và hiện tượng cực đoan được tính toán, bao gồm: Mưa cực đoan (R50mm), hạn, nắng nóng kéo dài, tần suất xảy ra theo từng mốc thời gian (10 năm, 20 năm, 50 năm), nhiệt độ, số ngày nắng nóng. Đặc biệt, kịch bản cập nhật 2025 sẽ lần đầu tiên tích hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự tính rủi ro và nguy cơ ngập lụt trong tương lai, có xét đến cả các yếu tố mới như đê biển, quy hoạch hạ tầng ven biển trong tương lai. Kịch bản cũng nhấn mạnh đến việc đánh giá tác động BĐKH đến các lĩnh vực nhạy cảm, từ đó phục vụ thiết thực cho việc lập quy hoạch phát triển vùng, địa phương và ứng phó hiệu quả với rủi ro thiên tai.
TS. Lê Quốc Huy trình bày tại hội thảo
TS. Nguyễn Thanh Bằng trình bày tại hội thảo
Ngoài ra, Bà Rebecca Sawyer, đại diện cơ quan khí tượng Anh đã giới thiệu một số phương pháp truyền thông hiệu quả nhằm truyền đạt thông tin khí hậu một cách phù hợp và dễ hiểu tới các nhóm đối tượng khác nhau.
Theo bà, dữ liệu và thông tin về biến đổi khí hậu có thể được chia sẻ dưới nhiều hình thức khác nhau như: Briefing note (bản ghi chú tóm tắt), Climate information packs (gói thông tin khí hậu), Sector-specific packs (gói thông tin theo từng lĩnh vực), Storylines (câu chuyện hóa thông tin khí hậu) – một hình thức kể chuyện dựa trên dữ liệu, giúp truyền tải tác động khí hậu theo bối cảnh thực tế, dễ tiếp cận hơn cho người dân và nhà hoạch định chính sách. Thông qua kết quả tham vấn, Cơ quan khí tượng Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam áp dụng nguyên tắc “đồng thiết kế – đồng sản xuất – đồng truyền đạt” thông tin khí hậu để truyền thông về kịch bản BĐKH trong tương lai. Đây là cách tiếp cận nhằm kết nối chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng người sử dụng, từ đó đảm bảo thông tin khí hậu được cung cấp phù hợp, dễ hiểu và có thể hành động được.
Bà Rebecca Sawyer trình bày tại hội thảo
Với sự tham gia của hơn 60 đại biểu là các chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện đến từ sở ban ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học tại Hà Nội và các tỉnh lân cận… Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi chuyên sâu về phương pháp, kỹ thuật dự tính khí hậu và nhu cầu sử dụng thông tin trong công tác lập kế hoạch, quản lý và ra quyết định. Những chia sẻ, thảo luận và ý kiến đóng góp thu nhận được từ hội thảo sẽ góp phần quan trọng trong quá trình hoàn thiện cho kịch bản BĐKH cho Việt Nam, qua đó đảm bảo tính ứng dụng cao và phục vụ hiệu quả cho công tác ra quyết định, lập kế hoạch và quản lý ở các cấp để thực hiện chiến lược của Việt Nam ứng phó với Biến đổi khí hậu.