Tên đề tài: Nghiên cứu xác định các mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nước biển dâng chi tiết một số khu vực trọng điểm ven biển Việt Nam
Mã số: KC.09.12/21-30
1. Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Quốc Huy
2. Thư ký nhiệm vụ:Th.S Phạm Văn Tiến
3. Thời gian thực hiện:39 tháng (Từ tháng 02/2025 đến tháng 04/2028)
Trong đó: + Thời gian triển khai nghiên cứu: 36 tháng
+ Thời gian hoàn thiện hồ sơ phục vụ đánh giá nghiệm thu: 03 tháng
4. Mục tiêu:
– Đưa ra được cơ sở khoa học, phương pháp và công nghệ xác định các mức cảnh báo rủi ro do thiên tai nước biển dâng gây ngập lụt vùng ven biển khu vực nghiên cứu.
– Xác định được các cấp độ rủi ro thiên tai do nước biển dâng và đề xuất các mức cảnh báo chi tiết cho một số khu vực trọng điểm ven biển của Việt Nam.
5. Các sản phẩm chính:
Sản phẩm khoa học:
– Báo cáo đánh giá về điều kiện tự nhiên (địa hình, hình thái bờ biển, khí tượng thuỷ văn, bão, rủi ro ngập lụt do nước biển dâng) và kinh tế – xã hội,… khu vực nghiên cứu.
– Báo cáo về cơ sở khoa học, phương pháp và công nghệ xác định mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nước biển dâng của khu vực nghiên cứu.
– Báo cáo về mô hình áp dụng trong dự báo, cảnh báo nước dâng tổng hợp và ngập lụt ven biển tại khu vực nghiên cứu.
– Các kết quả nghiên cứu xác định mức độ rủi ro nước biển dâng tổng hợp và đề xuất các mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai chi tiết cho các khu vực ven biển trọng điểm.
– Các bản đồ về phân vùng mức độ ngập lụt và mức rủi ro thiên tai do nước biển dâng tương ứng với các tỷ lệ thích hợp, phù hợp với yêu cầu thực tế.
– Dự thảo cải tiến tin dự báo, cảnh báo nước dâng và ngập lụt vùng ven biển.
Sản phẩm là bài báo:
02 bài báo quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục Web of Science/ Scopus;
03 bài báo trong nước trên các tạp chí khoa học thuộc Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.
Sản phẩm đào tạo
– Hỗ trợ đào tạo 01 Thạc sĩ và 01 Tiến sĩ.
6. Đánh giá về hiệu quả do đề tài mang lại
a) Hiệu quả về khoa học công nghệ
Công nghệ và sản phẩm của đề tài có thể ứng dụng trực tiếp trong nghiệp vụ dự báo hải văn và cảnh báo các thiên tai; đánh giá và quản lý tài nguyên biển và ven bờ; giám sát và dự báo môi trường; ứng dụng trong công tác nghiên cứu, giảng dạy về hải văn, rủi ro thiên tai nguồn gốc biển, mô hình số trị dự báo hải văn.
Tác động và những đóng góp của nghiên cứu đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan thể hiện ở những điểm sau:
– Nâng cao sự hiểu biết về nguy cơ ngập lụt gây bởi nước biển dâng tổng hợp và các mức độ rủi ro thiên tai chi tiết cho các khu vực ven biển, góp phần nâng cao được chất lượng dự báo hải văn và cảnh báo các thiên tai.
– Nâng cao chất lượng mô phỏng mực nước tổng cộng gây ngập lụt vùng ven biển bằng mô hình độ phân giải cao, sử dụng lưới tính phi cấu trúc.
b) Hiệu quả về kinh tế xã hội và môi trường
Đề tài tập trung vào nghiên cứu định hướng ứng dụng nên đối tượng thụ hưởng chính của đề tài là các đơn vị nghiên cứu, đào tạo và quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, môi trường, … Các đơn vị nghiên cứu sẽ ứng dụng sản phẩm và kết quả của đề tài trong việc nghiên cứu các cơ chế gây ngập ven biển và ứng dụng trong nghiên cứu dự báo hải văn, môi trường, rủi ro thiên tai. Các đơn vị đào tạo sẽ ứng dụng sản phẩm của đề tài trong công tác đào tạo cấp đại học và sau đại học. Các đơn vị quản lý nhà nước sẽ sử dụng kết quả của đề tài trong công tác quản lý khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, môi trường, đô thị. Bên cạnh các đơn vị trên, sản phẩm của đề tài có thể được sử dụng trong các hoạt động tư vấn dịch vụ bởi các đơn vị tư vấn.
Kết quả của đề tài sẽ góp phần nâng cao được chất lượng dự báo và cảnh báo thiên tai có nguồn gốc từ biển phục vụ công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; nâng cao khả năng ứng phó, phục vụ công tác quản lý, ra quyết định trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; cung cấp thông tin về ngập lụt ven biển, phục vụ công tác quy hoạch xây dựng, đô thị và dân cư ven biển.