Đó là chủ đề tham luận của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 được tổ chức chiều 16/5 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngày hội năm nay được tổ chức với chủ đề: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số – Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nghiệp, và các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Vnexpress.net
Một trong những điểm nhấn của ngày hội là bài tham luận sâu sắc và đầy cảm hứng của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà. Từ trải nghiệm nghiên cứu thực tiễn hơn 20 năm qua, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm và cống hiến cho đất nước.
PGS.TS. Ngà khẳng định rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ về khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định năng lực thích ứng và phát triển bền vững. Khoa học công nghệ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng nắm bắt, dự báo, và ứng phó với những thách thức từ bên trong và bên ngoài. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ quá trình phát triển khoa học, công nghệ, cần có tiếp cận mở, khai phá và vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với các vấn đề thực tiễn mới đặt ra và phải đảm bảo đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
“Có thể nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, từ trước đến nay nghiên cứu khoa học chưa được đầu tư đúng mức (với con số khiêm tốn khoảng 0,7% GDP), chúng tôi những người làm khoa học phải chật vật bước đi trên con đường đã chọn, từ thiếu thốn cơ sở vật chất, dữ liệu, và phương tiện nghiên cứu, tra cứu đến nguồn lực tài chính, và hơn nữa là cơ chế quản lý, như các khâu xét duyệt, tuyển chọn, đấu thầu, tài chính, giải ngân, đều làm khó các nhà khoa học. Nhưng quan trọng hơn, là hạn chế sự giao lưu, tiếp cận với khoa học thế giới. Ví dụ, cá nhân tôi, từng là nghiên cứu viên của Viện HL KHNCVN, từ những năm 2014 tôi đã có đề xuất nghiên cứu về dịch bệnh sôt xuất huyết dưới tác động của BĐKH nhưng không được phê duyệt, nhưng lại may mắn được quỹ APN (Asian Pacific Network for Global Research) tài trợ cho nghiên cứu ở cả VN và Phillipines, kết quả của nghiên cứu đã công bố được 3 bài báo quốc tế uy tín (Q1, Q2) và đến nay chủ đề này vẫn còn tiếp tục thế giới nghiên cứu. Hiện nay, GS của Đại học Harvard cũng vẫn mời tôi phối hợp nghiên cứu cho loại bệnh khác, thậm chí HIV. Nhưng cũng có đề xuất khác của tôi may mắn hơn, đã được Ban chủ nhiệm CT Công nghệ Vũ trụ 2015-2020 xem xét kỹ lưỡng và phê duyệt năm 2018, mặc dù tôi nhớ như in câu hỏi: “tại sao lại chọn cái khó thế để làm?” đó là đề tài: “Nghiên cứu đánh giá và dự báo tiềm năng năng lượng mặt trời phục vụ phát triển năng lượng sạch cho việt nam sử dụng công nghệ viễn thám và mô hình số trị”. Mặc dù đề tài thuộc hướng nghiên cứu cơ bản, nhưng sau khi hoàn thành, sản phẩm của đề tài lại cực kỳ hữu ích, vì từ đó đến nay chúng tôi thực hiên mô hình ước tính bức xạ từ vệ tinh Himawari 10 phút/lần, dữ liệu cho toàn bộ Việt Nam, là cung cấp liên tục cho Tổng công ty điện lực Việt Nam. Sản phẩm này từ trước năm 2022, EVN toàn mua của nước ngoài. Chính nhờ đó, mà EVN đã ký MOU với Viện chúng tôi để tiến tới cung cấp dự báo sản lượng điện từ bức xạ mặt trời, đảm bảo thực hiện ngay được Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Rõ ràng là, khoa học đi trước một bước, thì mới kịp thời phục vụ quản lý nhà nước. Đây là một thành quả nghiên cứu mà tôi tâm đắc nhất, là 1 nghiên cứu cơ bản nhưng lại vừa phục vụ điều hành sản xuất, vừa phục vụ quản lý nhà nước. Quỹ nghiên cứu Nafosted là sự tiến bộ đáng kể về quy trình xét duyệt, nghiệm thu đề tài, nhưng lại hạn chế ở cơ chế cứng về số tiền ứng với số bài báo (400 tr VNĐ/ đề tài có 1 bài báo), hơn nữa chúng tôi cũng vẫn vất vả khi giải ngân ở cơ quan, tức là vẫn phải có các sản phẩm báo cáo trung gian để rút được kinh phí” – Bà Ngà cho hay.
Được đào tạo rất bài bản từ 3 nước (Ucraine LX Cũ, Úc, Nhật), lại có nhiều thời gian cọ sát với thực tiễn là công tác dự báo KTTV, là một lĩnh vực mà tri thức rộng lớn vô hạn với rất nhiều bí mật cần khám phá, niềm đam mê nghiên cứu và những trăn trở nghề nghiệp đã giúp PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà không từ bỏ, khẳng định được uy tín và tầm ảnh hưởng trong ngành và thậm chí ở khu vực. Lãnh đạo Bộ TNMT (trước đây) đã tin tưởng và bổ nhiệm bà ở vị trí Viện trưởng, Chủ tịch Chương trình IHP (Unesco) Việt Nam, và vào tháng 11/2024, tại cuộc họp lần thứ 31 của Ban chỉ đạo IHP-AP, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà đã được bầu vào vị trí Chủ tịch, nữ chủ tịch đầu tiên của IHP-AP trong 50 năm lịch sử. Theo Bà Ngà, đây cũng là một định hướng trong NQ57, tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học VN vào các tổ chức quốc tế, để dần khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam.
Là một trong số các nhà khoa học nữ được vinh dự trực tiếp tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do chính Đ/c Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước chủ trì tại Phòng họp Diên Hồng, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà nhận thức rõ sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với sự tồn vinh của khoa học Việt Nam. “Nghị quyết 57 là một dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội và định hướng chiến lược cho các nhà khoa học, chúng tôi đón nhận Nghị quyết Q57 như một sự cởi trói cho nghiên cứu khoa học, và cho chính các nhà khoa học có thể theo đuổi đam mê, cũng như mở đường cho nhiều các bạn trẻ dấn thân vào con đường khoa học, có như vậy tỷ lệ người làm khoa học mới tăng lên để có thể thực sự đóng góp vào động lực xây dựng và phát triển của đất nước” – Bà Ngà cho hay.
Trong tham luận của mình, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà đã nêu ra 4 vấn đề cốt lõi của Nghị quyết 57. Trước tiên, Nghị quyết 57 đã khẳng định vai trò then chốt của nhà khoa học trong tiến trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là động lực lớn cho các nhà khoa học tiếp tục khám phá, tìm tòi những bí mật của trời đất, như chính nhận định của BTr Nguyễn Mạnh Hùng: “nghiên cứu khoa học là lấy bí mật của trời, là hoạt động tìm ra, khám phá, còn phát triển công nghệ mới là không gian sáng tạo của con người“. Đây là cách tiếp cận hiện đại, tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng cùng phát triển, điều này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực khoa học của tôi là Khoa học trái đất, khi chúng ta chứng kiến BĐKH đang thực sự diễn ra với những kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ (nhiệt độ trung bình toàn cầu đến cuối tháng 4 năm 2025 đã tăng 1,58°C so với mức tiền công nghiệp, vượt ngưỡng 1,5°C theo Thỏa thuận Paris) và sự gia tăng khốc liệt của các hiện tượng thời tiết cực đoan (Siêu bão Yagi năm 2024 gây thiệt hại về kinh tế lớn nhất từ trước đến nay). Đó là hệ quả của những hoạt động của con người và khai thác tài nguyên quá mức, dẫn đến sự mất cân bằng của hệ thống khí hậu. Gia tăng nắm bắt những bí mật này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà nói về Nghị quyết 57
Thứ hai, Nghị quyết nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong thời gian qua, hạn chế về đầu tư cho khoa học đã kìm hãm phần nào năng lực khám phá, nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Liên xô đã có những chương trình nghiên cứu khoa học phối hợp với Tổng cục KTTV để khám phá các cơn bão nhiệt đới, bằng các máy bay vòng quanh tâm bão. Thật ngậm ngùi, sau 40 năm Việt Nam vẫn chưa hề có một chương trình nào tiếp theo, trong khi công nghệ để khám phá bão giờ đây đã có thể là máy bay không người lái hay các tên lửa thám sát. Big data hay các nền tảng AI cũng đòi hỏi hệ thống siêu máy tính đủ mạnh để giải quyết các bài toán lớn. Đây là cơ hội để đầu tư cho tư liệu và phương thức sản xuất mới cho những đòi hỏi của khoa học hiện nay.
Thứ ba là cởi trói thể chế, khuyến khích đổi mới sáng tạo để giúp các nhà khoa học có môi trường pháp lý thuận lợi hơn để triển khai các dự án nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là dám thử thách với rủi ro để sáng tạo. Như vậy, các nhà khoa học mới có thể phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, hay đúng hơn là “dám đề xuất” những ý tưởng mới, có như vậy khoa học mới đi trước và dẫn dắt cho sản xuất phát triển.
Thứ tư, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế để mở ra cơ hội cho các nhà khoa học hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án nghiên cứu chung, nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng mạng lưới hợp tác toàn cầu. Trước đây, do hạn chế nguồn lực, chúng ta chủ yếu dựa vào hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, với các cơ chế mới được mở ra từ Nghị quyết 57, chúng ta có thể chủ động hơn, bình đẳng hơn trong hợp tác.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà được vinh danh tại sự kiện
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà kỳ vọng rằng trong thời gian tới, các chương trình hợp tác sẽ theo hướng hai bên cùng đầu tư tài chính, cùng triển khai các nghiên cứu chung. Điều này không chỉ giúp nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu của đội ngũ nhà khoa học trong nước, mà còn giúp chúng ta tiệm cận nhanh hơn với trình độ khu vực và thế giới, đồng thời góp phần đưa các vấn đề về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu của Việt Nam ra thế giới cùng giải quyết.
Cũng trong bài tham luận của mình, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà đã nhấn mạnh vai trò then chốt của các nhà khoa học nữ. Theo bà Ngà, hiện nay tỷ lệ nữ tham gia nghiên cứu khoa học cũng đã chiếm khoảng 45%, và ngày càng nhiều nữ khoa học trong các ngành mũi nhọn như y học, công nghệ sinh học, môi trường, khoa học máy tính và đạt được các giải thưởng quốc gia, quốc tế. Với NQ57 Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng khoa học CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng là cơ hội lớn đối với các nhà khoa học nữ phát huy những thế mạnh tiềm ẩn, tính kiên trì bền bỉ, để xây dựng những dự án nghiên cứu lớn, có sự hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công tư, và chuyển giao công nghệ. “Sự đồng hành của nhiều hơn nữa các nhà khoa học nữ chúng tôi trong nghiên cứu, sáng tạo và đồng bộ các giải pháp công nghệ mới, kết hợp với sự phát triển nguồn nhân lực KHCN mạnh mẽ sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển khoa học công nghệ vì mục tiêu một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường” – PGS Ngà khẳng định.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cùng các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu được vinh danh. Ảnh: Vnexpress.net
Trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 đã diễn ra lễ vinh danh các tổ chức, cá nhân đã có những thành tựu, khẳng định vị thế tiên phong bằng những sản phẩm, giải pháp công nghệ đột phá. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã lên sân khấu tặng hoa và bằng khen cho các cá nhân, tổ chức đã được vinh danh. Với tinh thần hoạt động khoa học không ngừng nghỉ, là nhà khoa học nữ tiêu biểu, đã cống hiến trí tuệ và tâm huyết cho sự phát triển của khoa học nước nhà, sáng kiến của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà về Ước tính bức xạ mặt trời từ dữ liệu vệ tinh Himawari cho toàn bộ Việt Nam được công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp Toàn quốc đã được vinh danh tại sự kiện. Những nghiên cứu chuyên sâu của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà đều được đánh giá là có đóng góp thiết thực cho việc phát triển năng lượng tái tạo và công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam.