Hội thảo tập huấn xây dựng kế hoạch cho hoạt động thích ứng cấp địa phương

Trong hai ngày 22 và 23/8, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã phối hợp với Văn phòng đại diện tổ chức  Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam (FES), Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu của Tổ chức Phi chính phủ (CCWG) và Tổ chức WWF tại Việt Nam đồng tổ chức “Tập huấn xây dựng kế hoạch cho hoạt động thích ứng cấp địa phương”.

TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu, Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra toàn cầu và có ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với trên 3.000 km bờ biển, nhiều thành phố và lưu vực sông ở địa hình thấp, Việt Nam được xem là một trong các nước dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long là một trong các khu vực chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, hạn hán kéo dài. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ phù hợp, biến đổi khí hậu sẽ gây tổn thất khoảng 12-14 % GDP vào năm 2050 và có thể đẩy khoảng 1 triệu người vào cảnh đói nghèo vào năm 2030 .

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu là đơn vị có bề dày lịch sử và luôn đi đầu trong nghiên cứu về khí tượng thủy văn, môi trường và BĐKH. Về BĐKH, Viện đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong ứng phó với BĐKH, như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược BĐKH, Kịch bản Biến đổi khí hậu, Đánh giá khí hậu quốc gia, Đánh giá mức độ rủi ro, tính dễ bị tổn thương và tổn thất và thiệt hại do BĐKH. Ngoài ra, Viện cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều hoạt động, dự án nhằm xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH cho các Bộ, ngành cũng như tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH tại một số địa phương ở Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh kỷ niệm tại Viện KTTVBĐKH

Theo TS. Lê Ngọc Cầu, khóa tập huấn “Xây dựng kế hoạch cho hoạt động thích ứng cấp địa phương” nằm trong khuôn khổ của chương trình hợp tác giữa Viện KTTVBĐKH với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam, Nhóm công tác về BĐKH (CCWG), và Tổ chức WWF tại Việt Nam. Với việc các chuyên gia tham gia khóa tập huấn là đại diện từ các trường đại học, viện nghiên cứu, hội nông dân và các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực về phát triển nông thôn, thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường… cho thấy tầm quan trọng và sự chú trọng của toàn xã hội đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và thích ứng với biến đổi khí hậu nói riêng.

Ông Cầu hi vọng rằng, khóa tập huấn lần này không những cung cấp kiến thức giúp cho các đơn vị, tổ chức và các chuyên gia trong việc xây dựng kế hoạch thích ứng cấp địa phương mà còn tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng sự gắn kết và hợp tác trong tương lai giữa các học viên, cũng như học hỏi từ các giải pháp thực tiễn tốt đã được triển khai tại các địa phương.

Bà Franziska Schmidtke phát biểu tại hội thảo

Đồng quan điểm với TS. Lê Ngọc Cầu, bà Franziska Schmidtke, Giám đốc Chương trình khí hậu và năng lượng Châu Á (Đại diện Viện FES tại Việt Nam) cho rằng Việt Nam đã, đang và sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lộ trình để đạt được điều đó rất khó khăn với vô số trở ngại và rào cản.

Chính vì vậy, bà Franziska Schmidtke cũng như FES rất cần những ý tưởng và cam kết của các chuyên gia vì một tương lai công bằng về mặt xã hội và sinh thái cho Việt Nam. Với hội thảo này, Giám đốc Chương trình khí khí hậu và năng lượng của FES tại Châu Á hy vọng sẽ nhận được những chia sẻ về các phương pháp, sáng kiến hay nhất từ những người có kinh nghiệm.

Th.S. Phùng Thị Thu Trang (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường) chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, người tham dự đã lần lượt nghe các báo cáo về chống biến đổi khí hậu như: Đánh giá tác động của BĐKH và xác định nhu cầu của các đối tượng dễ bị tổn thương để phát triển giải pháp, sáng kiến sinh kế bền vững, ứng phó với BĐKH trong chính sách và chương trình của Việt Nam; Giới thiệu nghiên cứu thực tiễn: Cây xương rồng Nopal – giải pháp sinh kế cho vùng đất khô hạn; Đánh giả rủi ro về sinh kế ở một vùng liên quan đến dao động khí hậu, lựa chọn phát triển sinh kế, giới thiệu các mô hình sinh kế thành công; Nghiên cứu xây dựng phương pháp luận và tính toán dấu vết các-bon cho sản phẩm lúa gạo…

Khách mời tham gia thảo luận tại hội thảo

Xen kẽ giữa các bài trình bày tại hội thảo là những hoạt động thảo luận, hỏi đáp, làm bài trắc nghiệm… Có thể thấy, trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu và chia sẻ kiến thức, thông tin về đánh giá tác động của BĐKH, xác định nhu cầu thích ứng của các đối tượng dễ bị tổn thương, đánh giá rủi ro sinh kế, vai trò của giới trong các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH, tính dấu vết các bon cho sản phẩm lúa gạo, xây dựng kế hoạch cho hoạt động thích ứng ở cấp địa phương, và một số thực tiễn tốt của mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH đã được triển khai ở một số địa phương.