Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng thị trường Các-bon tại Việt Nam”

Chiều 05/02, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng thị trường Các bon tại Việt Nam” bằng hình thức trực tuyến.

Hội đồng diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Chủ tịch Hội đồng.

 

Xây dựng thị trường các-bon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK). Dù đã tham gia các hoạt động trao đổi tín chỉ quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đến nay, Việt Nam mới bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên chính thức xây dựng thị trường các-bon trong nước, khởi đầu bằng việc đưa nội dung này vào Luật Bảo vệ môi trường 2020. Và từ nay đến khi thị trường chính thức vận hành còn rất nhiều công việc cần phải thực hiện. Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng thị trường Các bon tại Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Liễu làm chủ nhiệm và bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 7/2018 đã cung cấp các cơ sở nghiên cứu quan trọng về cả lý luận và thực tiễn cho quá trình này.

Trước sự lắng nghe của các thành viên trong Hội đồng, TS. Nguyễn Thị Liễu đã trình bày về các mục tiêu cũng như sản phẩm của Đề tài.

Trong đó, mục tiêu được đưa ra gồm: Xây dựng cơ sở lý luận cho việc xây dựng và vận hành thị trường Các-bon ở Việt Nam; Xác định được các ngành/lĩnh vực có tiềm năng tham gia vào thị trường Các-bon tại Việt Nam; Đề xuất được các giải pháp kỹ thuật và chính sách xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam cùng với một lộ trình triển khai khả thi.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, đề tài đã thực hiện 6 nội dung: Nghiên cứu cơ sở lý luận cho việc xây dựng thị trường Các-bon tại Việt Nam; Nghiên cứu cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng thị trường Các-bon tại Việt Nam; Thu thập, xử lý và tổng hợp các số liệu, tài liệu về hiện trạng phát thải KNK, nghiên cứu phân tích và đánh giá tiềm năng giảm phát thải KNK, tính khả thi của các công nghệ giảm phát thải KNK; các phương pháp luận MRV cho các hoạt động giảm phát thải KNK; mức độ phù hợp với ưu tiên quốc gia của các hoạt động giảm phát thải KNK của các ngành/lĩnh vực trọng điểm; Nghiên cứu xác định các ngành/lĩnh vực có tiềm năng tham gia vào thị trường Các-bon tại Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất được giải pháp cho việc xây dựng thị trường Các-bon tại Việt Nam; Xây dựng báo cáo tổng kết. 

Các sản phẩm chính mà nhóm thực hiện Đề tài đã hoàn thành gồm: 1) Cơ sở lý luận cho việc hình thành thị trường Các-bon ở Việt Nam; 2) Cơ sở thực tiễn cho việc hình thành thị trường Các-bon ở Việt Nam; 3) Báo cáo đánh giá tiềm năng cho việc hình thành thị trường Các-bon ở Việt Nam; 4) Báo cáo tổng kết để tài; 5) Xuất bảo 01 bài báo khoa học trên tạp chí Biến đổi khí hậu; 6) Hỗ trợ đào tạo 01 Thạc sỹ.

Hội đồng đã đưa ra các ý kiến đánh giá về những nội dung của Đề tài và kết luận: Đề tài đạt yêu cầu.

Trả lời