Phân bổ hạn ngạch khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải

Chiều ngày 28/4, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến chuyên gia “Báo cáo kết quả thử nghiệm phân bổ hạn ngạch khí nhà kính (KNK) trong lĩnh vực quản lý chất thải” thuộc khuôn khổ đề tài cấp Bộ do TS. Đào Minh Trang làm chủ nhiệm.

TS. Lê Ngọc Cầu chủ trì hội thảo

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng) với sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe nhóm nghiên cứu trình bày ba báo cáo quan trọng. Trong đó, ThS. Bế Ngọc Diệp giới thiệu bộ công cụ tính toán phân bổ hạn ngạch phát thải KNK do nhóm nghiên cứu phát triển. Bộ công cụ này được xây dựng dựa trên hướng dẫn của IPCC 2006 và các văn bản pháp quy hiện hành, nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm kê và phân bổ hạn ngạch KNK cho các ngành: năng lượng, nông nghiệp, chất thải, LULUCF và các quá trình công nghiệp. Bộ công cụ bao gồm các file kiểm kê KNK và file tính phân bổ hạn ngạch theo từng cấp, đảm bảo đồng bộ và minh bạch cho cả quá trình xây dựng ETS.

ThS. Bế Ngọc Diệp trình bày tại hội thảo

Tiếp theo, ThS. Ngô Thị Vân Anh trình bày kết quả phân bổ hạn ngạch phát thải cấp lĩnh vực chất thải, nhấn mạnh vai trò của ngành chất thải trong mục tiêu giảm phát thải quốc gia. Báo cáo phân tích đặc điểm phát thải từ bãi chôn lấp, lò đốt và xử lý nước thải, đề xuất quy trình phân bổ hạn ngạch kết hợp giữa phương pháp “từ trên xuống” và “từ dưới lên”, cũng như giữa phân bổ miễn phí và đấu giá. Theo tính toán, lĩnh vực chất thải đặt mục tiêu giảm 8,46 triệu tấn CO₂tđ vào năm 2030 so với kịch bản BAU, đồng thời áp dụng hệ số bảo vệ khí hậu và hệ số dự trữ nhằm bảo đảm công bằng và hiệu quả.

ThS. Ngô Thị Vân Anh trình bày kết quả phân bổ hạn ngạch phát thải cấp lĩnh vực chất thải

Cuối cùng, TS. Đào Minh Trang (chủ nhiệm nhiệm vụ) giới thiệu quy trình tính toán phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cấp cơ sở, minh họa thông qua các cơ sở xử lý chất thải điển hình như bãi chôn lấp Nam Sơn, nhà máy điện rác Sóc Sơn, và URENCO 11. Bài trình bày làm rõ các bước xác định định mức phát thải, hệ số điều chỉnh, và tính toán phân bổ theo các loại hình cơ sở (sản phẩm, nhiệt, nhiên liệu, quá trình). Kết quả thử nghiệm cho thấy phương pháp đề xuất minh bạch, phản ánh thực tiễn và khuyến khích giảm phát thải hiệu quả.

TS. Đào Minh Trang trình bày tại hội thảo

Hội thảo là bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng hệ thống phân bổ hạn ngạch phát thải phục vụ triển khai thị trường carbon tại Việt Nam từ năm 2026. Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao các kết quả mà nhóm nghiên cứu đã đạt được, nhất trí về tầm quan trọng của việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu kiểm kê, đào tạo doanh nghiệp và điều chỉnh linh hoạt các quy trình phù hợp với thực tiễn.

Quang cảnh hội thảo.