Phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại Việt Nam: Cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế và thử nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất thải

Ngày 13/5, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức hội thảo trước nghiệm thu đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất xây dựng hướng dẫn phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Áp dụng thí điểm cho lĩnh vực quản lý chất thải” do TS. Đào Minh Trang làm chủ nhiệm.

TS. Lê Ngọc Cầu chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Liễu đã trình bày cơ sở khoa học và tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu đã hệ thống hóa kinh nghiệm quốc tế về phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, từ đó rút ra các bài học phù hợp cho Việt Nam. Các phương pháp phân bổ hạn ngạch phát thải KNK phổ biến trên thế giới bao gồm phân bổ miễn phí (dựa trên lịch sử phát thải, dựa trên định mức lịch sử cố định, và dựa trên định mức theo sản lượng thực tế) và đấu giá. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, và việc lựa chọn phương pháp phù hợp cần dựa trên bối cảnh cụ thể của từng quốc gia và từng giai đoạn phát triển của thị trường các-bon. Đề tài đã tổng hợp các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, bao gồm: xây dựng khung pháp lý vững chắc, thiết kế và triển khai theo từng giai đoạn, phương pháp phân bổ hợp lý, thiết lập hệ thống MRV mạnh mẽ, xây dựng cơ chế ổn định thị trường, tích hợp ETS với các chính sách môi trường và kinh tế khác, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức, hợp tác quốc tế và khu vực và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.

TS. Nguyễn Thị Liễu trình bày tại hội thảo

Trong dự thảo tài liệu hướng dẫn phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam, TS. Đặng Quang Thịnh khẳng định đã xác định rõ nguyên tắc phân bổ: đảm bảo minh bạch, công bằng, phù hợp với bối cảnh Việt Nam và khuyến khích đổi mới công nghệ. Dự thảo tài liệu hướng dẫn đã đề xuất cách tiếp cận phân bổ hạn ngạch phát thải KNK phù hợp với Việt Nam, bao gồm cả cấp lĩnh vực và cấp cơ sở. Ở cấp lĩnh vực, dự thảo đề xuất quy trình phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho sáu lĩnh vực chính: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp-lâm nghiệp-sử dụng đất, và chất thải. Ở cấp cơ sở, dự thảo đề xuất quy trình phân bổ hạn ngạch phát thải KNK dựa trên định mức, bao gồm các bước xây dựng định mức, tính toán các hệ số điều chỉnh, xác định mức hoạt động trong quá khứ của cơ sở, và xác định phân bổ hạn ngạch đối với cơ sở.

TS. Đặng Quang Thịnh báo cáo tại hội thảo

Đặc biệt, nghiên cứu đã xây dựng được bộ công cụ tính toán phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng áp dụng phương pháp phân bổ hạn ngạch trong thực tiễn.

Với tư cách là chủ nhiệm nhiệm vụ, TS. Đào Minh Trang đã trình bày kết quả thử nghiệm phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính đối với lĩnh vực quản lý chất thải. Đề tài đã thử nghiệm phương pháp phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho lĩnh vực chất thải và một số cơ sở xử lý chất thải thí điểm, bao gồm Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, và URENCO 11. Kết quả thử nghiệm đã chứng minh tính khả thi của phương pháp đề xuất và cung cấp những bài học quý giá cho việc mở rộng áp dụng phương pháp này cho các lĩnh vực khác.

TS. Đào Minh Trang báo cáo tại hội thảo

Như vậy, nghiên cứu đã cung cấp một khuôn khổ khoa học và thực tiễn cho việc phân bổ hạn ngạch phát thải KNK tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc phát triển thị trường các-bon trong nước theo lộ trình của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải KNK, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia về lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu, các cán bộ từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và các tổ chức tư vấn độc lập.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tổng kết tại hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu (Phó viện Trưởng Viện KTTVBĐKH) đánh giá cao các kết quả mà nhóm nghiên cứu đã đạt được và đề nghị nhóm sớm hoàn thiện các sản phẩm để đảm bảo đúng tiến độ của Đề tài.