Thúc đẩy mục tiêu “Net Zero” trong ứng phó với biến đổi khí hậu của các tỉnh Tây Nguyên

Chiều 26/11, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) đồng tổ chức “Hội thảo Thúc đẩy mục tiêu “Net Zero” trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các tỉnh khu vực Tây Nguyên”.

 

TS. Đỗ Đình Chiến phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện các cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Đình Chiến (Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Dịch vụ Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến phát triển và an ninh trên toàn Thế giới. Trong những năm qua, hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của BĐKH như gia tăng nhiệt độ, thay đổi chế độ mưa, gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh và giảm năng suất nông nghiệp.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vài năm trở lại đây trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài và mưa lớn bất thường gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của người dân.

 

Bà Phùng Thị Thu Trang, Phó trưởng Phòng Khoa học, đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phát biểu

Là khu vực có mức tăng nhiệt độ khá lớn, lượng mưa hàng năm có xu hướng giảm, đây là thách thức lớn đối với Tây Nguyên. Mạng lưới sông suối Tây Nguyên thuộc 3 hệ thống sông chính là sông Mê Công, sông Đồng Nai, sông Ba và vùng thượng lưu của các sông Thu Bồn, sông Trà Khúc từ tỉnh Kon Tum chảy xuống Quảng Nam và Quảng Ngãi; sông Cái, sông Lũy chảy xuống Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bởi vậy nên cần có các chiến lược bảo vệ nguồn nước ngay ở thượng nguồn; có kế hoạch cân đối nguồn cung và nhu cầu nước theo từng vùng canh tác cũng như cần có các nghiên cứu đưa ra biện pháp kỹ thuật tiết kiệm nước và điều chỉnh quy hoạch đất, chuyển đổi cơ cấu cây bản địa tăng cường đa dạng sinh học để phù hợp với BĐKH.

Thực tế trên đòi hỏi chính quyền địa phương, các sở, ngành cần phải làm tốt công tác chiến lược BĐKH, đồng thời hỗ trợ người dân thích nghi theo hướng “thuận thiên” với các giải pháp NbS, EbS, chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người dân ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài. Sự chủ động được thể hiện thông qua nhận thức, tư duy, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch và chiến lược để thích ứng. Các giải pháp “thuận thiên” sẽ giúp phát huy sinh kế khác thay thế cho vụ lúa mùa lũ vùng ngập sâu và vụ lúa mùa khô vùng ven biển, tôn trọng quy luật tự nhiên, xem nước ngọt, mặn, lợ đều là tài nguyên…

 

Bà Phạm Cẩm Nhung, đại diện WWF tại Việt Nam phát biểu trực tuyến tại Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Cẩm Nhung, đại diện WWF tại Việt Nam nhấn mạnh, sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow Vương quốc Anh từ ngày 30/10 đến ngày 13/11/2021, Việt Nam là một trong những nước phát triển sẵn sàng thay đổi và cam kết đặt phục hồi thiên nhiên làm ưu tiên hàng đầu. Bởi vậy việc định hướng ứng phó BĐKH cho Tây Nguyên để nhất quán với cam kết giảm phát thải 30% khí Metan vào năm 2030, đạt Net-Zero vào năm 2050 là việc làm thiết yếu, cần có lộ trình cụ thể và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành và các tổ chức xã hội dân sự.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo qua hình thức trực tuyến

Được tổ chức nhằm mục đích thảo luận tình hình triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, xác định các khoảng trống, định hướng ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy mục tiêu “Net Zero” trong kế hoạch hành động giai đoạn sau năm 2020 của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Hội thảo đã nghe các chuyên gia trình bày về các nội dung như: Định hướng ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên; Một số bài học kinh nghiệm về thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phân tích các cơ hội tiềm năng để địa phương tiếp cận được với các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường thúc đẩy mục tiêu “Net Zero” trong kế hoạch hành động giai đoạn sau năm 2020 của các địa phương…

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về tiềm năng phát thải trong thành phố tại Việt Nam và tham vấn ý kiến, đề xuất giải pháp tăng cường các hoạt động, định hướng ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy mục tiêu “Net Zero” trong kế hoạch hành động giai đoạn sau năm 2020 của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

 

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Trả lời