Ngày 4/7/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (KTTVBĐKH) phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ và Cơ quan Khí tượng Hoàng gia Anh (UK Met Office) tổ chức Tọa đàm tham vấn Kịch bản Biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Đây là diễn đàn khoa học nhằm trao đổi chuyên môn giữa các nhà khoa học trong nước, quốc tế và các bên liên quan về quá trình xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) phiên bản năm 2025 – công cụ quan trọng phục vụ công tác quy hoạch, phát triển và ứng phó hiệu quả với BĐKH tại Việt Nam. Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình WISER (Dịch vụ Thông tin Thời tiết và Khí hậu) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) tài trợ.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh toàn thể
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà – Viện trưởng Viện KTTVBĐKH cho biết bản cập nhật kịch bản BĐKH năm 2025 được xây dựng định kỳ theo quy định của Luật Khí tượng Thủy văn, kế thừa từ phiên bản năm 2020 và cập nhật dựa trên cơ sở khoa học mới nhất từ Báo cáo Đánh giá lần thứ sáu (AR6) của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC). Kịch bản năm 2025 chú trọng vào các hiện tượng khí hậu cực đoan, đặc biệt là các vấn đề mang tính cấp thiết như cực đoan đô thị, mực nước biển dâng và rủi ro ngập lụt, phục vụ sát thực hơn nhu cầu ứng phó của địa phương và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu.
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu tại Tọa đàm
Tại Tọa đàm, các chuyên gia quốc tế và trong nước chia sẻ về phương pháp xây dựng kịch bàn BĐKH cho Việt Nam, kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, nguy cơ ngập do nước biển dâng. TS. Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế đã trình bày những điểm mới trong Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) phiên bản cập nhật năm 2025 so với các phiên bản trước đó. Tiếp đến, bà Emma Dyer (Met Office) đã chia sẻ kết quả mô phỏng khí hậu sử dụng mô hình CPM có độ phân giải cao 4,4 km, lần đầu tiên được áp dụng cho khu vực Việt Nam. Mô hình này cho phép mô phỏng chính xác hơn các hiện tượng mưa lớn, dông, nắng nóng kéo dài, từ đó cung cấp nền tảng khoa học vững chắc cho việc xây dựng các biện pháp ứng phó cụ thể.
TS. Trần Thanh Thủy trình bày tại Tọa đàm
Tiến sĩ Trương Bá Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Khí hậu, TS. Lê Quốc Huy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hải văn và TS. Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng phòng Phòng công nghệ KTTV&BĐKH cũng đã trình bày kết quả bước đầu về các kịch bản BĐKH, kịch bản nước biển dâng và nguy cơ ngập tương ứng với các kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam. Theo đó, kịch bản mới sử dụng các kịch bản phát thải SSP (SSP1-2.6; SSP2-4.5; SSP3-7.0) thay thế cho RCP trong phiên bản 2020, dựa trên Báo cáo đánh giá lần thứ sáu (AR6) của IPCC. Thời kỳ tham chiếu cũng được điều chỉnh sang giai đoạn 1995–2014, có mức nhiệt trung bình cao hơn 0,85°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
TS. Lê Quốc Huy trình bày tại Tọa đàm
Một điểm mới nổi bật trong kịch bản năm 2025 là việc mở rộng phạm vi các biến khí hậu và hiện tượng cực đoan được tính toán, bao gồm: mưa cực đoan (R50mm), hạn hán, nắng nóng kéo dài, số ngày nắng nóng, và tần suất xuất hiện theo chu kỳ (10 năm, 20 năm, 50 năm). Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được tích hợp để dự tính rủi ro ngập lụt trong tương lai, có xét đến các yếu tố mới như đê biển, hạ tầng ven biển và quy hoạch không gian đô thị. Việc tích hợp công nghệ này nhằm nâng cao độ chính xác và khả năng dự báo ở cấp địa phương.
TS. Trương Bá Kiên trình bày tại Tọa đàm
Tiến sĩ Aurel Moise, Cơ quan khí tượng Singapore đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kịch bản nước biển dâng cho Singapore dựa trên các nghiên cứu mới của quốc gia này. Ông giới thiệu cách tiếp cận cập nhật số liệu vận động đất thẳng đứng (VLM), cải tiến dữ liệu thủy triều tại các trạm ven biển và ứng dụng mô hình p-box để tính toán độ không chắc chắn – kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong việc đánh giá rủi ro ngập lụt tại các vùng châu thổ như Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Aurel Moise chia sẻ tại Tọa đàm
Tọa đàm cũng dành thời gian thảo luận về truyền thông thông tin khí hậu – một yếu tố then chốt để chuyển tải hiệu quả các thông tin kỹ thuật đến cộng đồng. Bà Rebecca Sawyer, đại diện UK Met Office, chia sẻ các cách tiếp cận truyền thông đa dạng như: bản ghi chú tóm tắt (briefing notes), gói thông tin khí hậu theo lĩnh vực (sector-specific packs), hoặc hình thức kể chuyện bằng dữ liệu (climate storylines). Đây là những phương pháp giúp đơn giản hóa thông tin phức tạp, hỗ trợ cộng đồng, nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý dễ dàng tiếp cận và ra quyết định hiệu quả hơn.
Bà Emma Dyer và…
bà Rebecca Sawyer chia sẻ tại Tọa đàm
PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, bà Emma Dyer và tiến sĩ Aurel Moise đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng, khai thác sử dụng và truyền thông kịch bản BĐKH.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã tích cực trao đổi đóng góp ý kiến và trao đổi với các diễn giả về phương pháp kỹ thuật, nhu cầu thông tin tại địa phương và tính ứng dụng thực tiễn của kịch bản BĐKH. Những chia sẻ, thảo luận và phản hồi từ tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng giúp Viện KTTVBĐKH hoàn thiện bản cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2025 – một công cụ quan trọng phục vụ lập quy hoạch, xây dựng chính sách và tăng cường năng lực thích ứng khí hậu ở cấp quốc gia và địa phương.
PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, bà Emma Dyer và tiến sĩ Aurel Moise trong Tọa đàm
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, bà Vũ Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đã bà cảm ơn các nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến quý báu, góp phần làm nên thành công của Tọa đàm. Bà nhấn mạnh: Những tham luận khoa học và kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ tại Tọa đàm, đặc biệt là kịch bản nước biển dâng của Singapore, kịch bản khí hậu đô thị của UK Met cùng với các ý kiến đóng góp sâu sắc từ các đại biểu tham dự, là nguồn thông tin quý báu, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam.
Bà Vũ Thị Hằng phát biểu kết thúc Tọa đàm
Việc xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH là nhiệm vụ có ý nghĩa thiết thực trong công tác quản lý nhà nước, giúp nâng cao chất lượng ra quyết định, xây dựng chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững ngành nông nghiệp, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới.
Bà đánh giá cao nỗ lực của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trong việc huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế phục vụ nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các kịch bản biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đảm bảo tính khoa học, tính ứng dụng và khả năng tích hợp vào công tác quản lý, quy hoạch và phát triển ngành nông nghiệp.